Khi giới trẻ "thích FA", lười kết hôn. Bài 2: Để gia đình nhỏ là hạnh phúc to

09:19 | 12-05-2020

Việc kết hôn sớm hay muộn phụ thuộc vào quan điểm và suy nghĩ của từng người. Có người cho rằng, lập gia đình sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích mà không phải ai cũng có được. Tuy nhiên số khác lại nghĩ, kết hôn muộn mới “thỏa sức tận hưởng” những ngày tự do...

Hạnh phúc gia đình tùy thuộc vào sự nỗ lực, vun vén của cả vợ chồng

 

Làm cha, phải noi gương cho cả nhà

 

Gia đình anh Trần Quang Trung buổi tối nào đầy ắp tiếng cười. Anh Trung năm nay 38 tuổi, vợ 36 tuổi. Lấy nhau được 9 năm, hai đứa con lần lượt ra đời, dù cũng có “lúc này, lúc nọ” nhưng rồi mọi chuyện cũng qua.

 

Nhịp sống thường ngày của gia đình anh Trung là mỗi người phụ trách một đứa con đưa đi học và đón về. Sau đó, ai tiện về trước sẽ lo cơm nước cho cả gia đình.

 

Chín năm là khoảng thời gian không dài đối với cuộc sống gia đình nhưng vợ chồng anh Trung đã tích cóp mua được một căn nhà xinh xắn với đủ trang thiết bị tối thiểu. Được sự ủng hộ của vợ, từ đầu năm nay, anh Trung quyết định ra ngoài đầu tư riêng, phát triển lĩnh vực kinh doanh mà mình đam mê.

 

Anh Trung tâm sự: “Lập gia đình xong, chúng tôi cũng vất vả mất 6 năm, lúc đó sự nghiệp chưa vững chắc, phải tích cóp tiền mua nhà, lại thêm con cái… cuộc sống nhiều lo toan. Có con cái, nhà cửa rồi, mọi thứ cứ dần dần đi vào ổn định. Tôi thấy yên tâm hơn nên chỉ chú trọng vào phát triển công việc và may mắn đã có những thành công bước đầu”.

 

Ngồi bên chồng, chị Vũ Thu Hương cho biết thêm: “Chín năm trong cuộc sống hôn nhân, cũng có lúc thăng trầm, cãi vã, vất vả… nhưng cả hai cùng vì nhau nên đã vượt qua. Lấy chồng sớm cũng có những điều dễ mất. Ví dụ như sự nghiệp bị đình trệ vì sinh con đẻ cái không phấn đấu được, tài chính eo hẹp vì phải lo nhiều thứ, cuộc sống bị bó buộc… Tuy nhiên giữa được và mất, tôi thấy có lợi nhiều hơn”.

 

Để anh Trung vững vàng trong sự nghiệp, chị Hương chấp nhận cất tấm bằng thạc sĩ vào tủ để làm nhân viên văn phòng cho một công ty làm giờ hành chính. Chị dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình cho chồng yên tâm phát triển ngoài xã hội.

 

Hiểu những hy sinh của vợ, anh Trung tận tụy làm việc, toàn tâm, toàn ý lo cho gia đình. “Vì muốn gia đình hạnh phúc, tạo sự yên tâm và tin yêu cho cô ấy cùng các con, tôi luôn dặn mình, làm cha phải noi gương cho cả nhà. Khi lấy vợ rồi làm cha 2 đưa bé, tôi phải bỏ nhiều thói quen riêng. Muốn có thời gian bên gia đình, tôi chủ động từ bỏ những cuộc hẹn hò nhậu nhẹt. Muốn con có sức khỏe tốt tôi chấp nhận bỏ thuốc lá… Khi đặt gia đình lên trên hết, bạn sẽ thấy sự hy sinh đó là xứng đáng”, anh Trung nói.

 

Nỗi nhọc nhằn làm mẹ tuổi 40

 

Vợ chồng chị Hoàng Thị Hằng ở quận Hoàn Kiếm kết hôn khi tuổi đã gần 40.

 

40 tuổi, chị Hằng mới sinh đứa con trai đầu lòng. Do tuổi cao, ngay từ khi có bầu chị Hằng đã được bác sĩ nhắc nhở và khuyến cáo về những rủi ro cho đứa trẻ sinh ra bởi mẹ lớn tuổi.

 

Sinh xong em bé, tuổi cao, sức lực yếu nên chị Hằng dường như không đủ năng lượng trông, nuôi em bé. Con chị gầy gò, xanh xao, lười ăn, hay mè nheo..

 

Bữa ăn nào chị Hằng cũng ra sức quát, thậm chí đánh con vì không chịu ăn, còn anh Hưng - chồng vì xót con nên mắng vợ. Thế là hai vợ chồng to tiếng với nhau. Căn nhà của cặp vợ chồng già có con mọn lúc nào cũng căng như sợi dây đàn.

 

Dù gia đình chị Hằng để lại của hồi môn cho con gái là căn hộ chung cư nhưng 2 năm nay, anh chị vẫn chưa mua sắm được gì thêm. “Công việc ngày càng khó khăn, trong khi mái ấm gia đình luôn căng thẳng khiến tôi chẳng còn tâm tư gì để lo làm kinh tế nữa. Có nhiều lúc đi làm về, tôi cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến cảnh bước chân vào nhà thấy cảnh bộn bề rồi cãi vã...”, anh Hưng nói.

 

Còn chị Hằng lại nghĩ kết hôn muộn sẽ chín chắn và ổn định hơn nhưng thật ra không phải. "Giá như ngày đó, tôi lấy chồng ở tuổi 27 - 28 có phải tốt hơn không... Vì sau khi sinh con, tôi còn nhiều thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình, quan hệ xã hội và phát triển kinh tế”, chị Hằng than thở....

 

(Còn nữa)

Theo Tuoitrethudo.vn