MC Phan Anh thừa nhận tham lam khi làm từ thiện

17:09 | 25-09-2021

Chia sẻ về quá trình làm từ thiện năm 2016, MC Phan Anh cho biết một ngày nhận được 8 tỷ đồng và bản thân có tham lam.

Thích tiền chảy vào tài khoản

 

Vừa qua, báo Đại đoàn kết tổ chức toạ đàm trực tuyến “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng?". Các khách mời của chương trình gồm: ĐBQH khoá XIV, TS Lưu Bình Nhưỡng; Đại tá, TS, luật sư Lê Ngọc Khánh và một số nghệ sĩ nổi tiếng thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện: MC Phan Anh; ca sĩ Thái Thuỳ Linh đều nhất trí rằng cá nhân làm từ thiện phải minh bạch, đúng pháp luật.

 

 Toàn cảnh buổi toạ đàm trực tuyến. Ảnh: Quang Vinh.

 

Tại buổi toạ đàm, chia sẻ về quá trình những thị phi trong quá trình làm từ thiện năm 2016, MC Phan Anh cho biết: “Khi hỗ trợ bà con vào năm 2016, hỏi rằng tôi có tham không, tôi cho là có. Đây không phải là tham tiền, nhưng tham sự ghi nhận của mọi người dành cho mình. Trong 1 ngày tôi nhận 8 tỷ đồng, tôi liền tự nhủ mọi việc đang quá sức mình, mình có làm được không? Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận của mọi người, thích sự tin tưởng của mọi người”.

 

Nam MC cũng cho biết, anh tham sự ghi nhận của mọi người dẫn đến không còn tỉnh táo, chỉ tin vào cá nhân, không lường trước vấn đề của mình. Đồng thời, khi nghe ai đó ý kiến về mình lại ghét họ.

 

 MC Phan Anh. Ảnh: Quang Vinh.

 

“Nhiều lúc tôi tự hỏi, sao mình làm việc tốt mà sao mình vướng vào thị phi này. Lúc đó, tôi quên mất niềm vui và hạnh phúc khi bắt đầu hành trình thiện nguyện là mang lại ấm áp cho bà con. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng khi bắt đầu làm thiện nguyện phải hiểu rõ rằng bạn đang làm điều gì, làm cho ai và bạn thấy hạnh phúc với việc đó thôi là đủ rồi. Phải gạt bỏ mọi Tham - Sân - Si trong người” – MC Phan Anh cho hay.

 

 Ca sĩ Thái Thuỳ Linh. Ảnh: Quang Vinh.

 

Là người đã gắn bó với chương trình mang âm nhạc đến bệnh viện và những chương trình khác, người được T.Ư đoàn bầu chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhưng ca sĩ Thái Thuỳ Linh cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình làm từ thiện. Ca sĩ Thái Thuỳ Linh chia sẻ: “Điều khó khăn nhất trong khi làm thiện nguyện là việc sắp xếp thời gian, làm thế nào để dung hòa được. 10 năm nay, tôi vẫn loay hoay để sắp xếp thời gian lo lắng đi hát kiếm tiền, dạy con... Đôi khi tôi cảm thấy áy náy vì không thể trả lời hết được tin nhắn của mọi người. May mắn cho tôi là đã đi qua được một khúc khó khăn để trả lời được câu hỏi: Vì sao ở hiền mà không gặp lành, bao nhiêu công sức, con người mình từng giúp đỡ nhưng nhận được những lời thị phi và đồn đại ác ý.

 

Sao kê không đủ minh bạch

 

Tại buổi toạ đàm trực tuyến, các khách mời tham gia đều ủng hộ việc minh bạch, sao kê của nghệ sĩ khi làm từ thiện. Tuy nhiên, theo Đại tá, LS Lê Ngọc Khánh: “Sao kê vừa rồi của các nghệ sĩ nêu lên rất đúng, rất tốt rồi nhưng chưa đủ. Sao kê có thể làm rõ tiền vào ngân hàng và tiền ra ngân hàng. Nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được”.

 

Ông Lê Ngọc Khánh lấy ví dụ: Một cá nhân vận động quyên góp được 100 tỷ, rút ra 100 tỷ từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai? Thì ai biết. Vì vậy chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, cần có ký nhận đầy đủ.

 

 Đại tá, LS Lê Ngọc Khánh. Ảnh: Quang Vinh.

 

Nhìn nhận việc từ thiện dưới góc độ pháp lý, ĐBQH khoá XIV, TS Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64. Ngoài ra còn một nghị định rất quan trọng nữa là Nghị định 93 quy định về quỹ xã hội từ thiện, theo đó các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội”.

 

Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các hoạt động từ thiện dựa trên các nền tảng, cơ sở pháp lý rõ ràng. Chúng ta có thể vận dụng các chính sách thiện nguyện dựa trên các nền tảng đó vào hoàn cảnh của chúng ta để xây dựng đạo luật về từ thiện. Song cần lưu ý, trong đạo luật đó phải quy định tổ chức, phương thức làm từ thiện như nào, để đảm bảo vừa hiệu quả, nhưng phải lấy công khai minh bạch làm kim chỉ nam, để xã hội yên tâm.

 

 TS Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quang Vinh.

 

Đồng ý với quan điểm trên, Đại tá, TS luật Lê Ngọc Khánh cho biết, nếu câu chuyện quyên góp trở thành vấn đề pháp lý thì đã có quy định của pháp luật. Luật hình sự quy định về tội danh lừa đảo hoặc là lạm dụng tín nhiệm. Nhà hảo tâm tin tưởng chuyển cho người quyên góp. Nếu người đứng ra quyên góp chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự, bị từ phạt tiền tới các mức khác. Nếu có căn cứ người quyên góp có hành vi chiếm đoạt như nhà hảo tâm gửi tới người quyên góp 10 tỷ mà chỉ hỗ trợ 5 tỷ, còn 5 tỷ để tiêu thì đã vào tội lừa đảo và có thể đối diện mức án nhiều năm tù.

 

Đáp lại vấn đề xử phạt, ca sĩ Thái Thùy Linh đặt vấn đề, trước khi đưa ra chế tài xử phạt thì phải có các hướng dẫn cụ thể. Làm từ thiện từ bao nhiêu tiền sẽ phải khai báo cho ai? Giữ tiền bao lâu thì bị xử lý? Ví dụ như lùm xùm liên quan đến nghệ sĩ Hoài Linh mới đây.

 

Minh bạch thu chi cũng rất cần hướng dẫn như: Từ bao nhiêu tiền thì cần hóa đơn biên lai? Trong trường hợp kế toán làm sai, làm nhầm thì ai là người chịu trách nhiệm? Hướng đến chuyên nghiệp hơn, cần có luật và hướng dẫn cụ thể, ví dụ như có thể dùng bao nhiêu % quỹ đó để trả lương cho những người làm thiện nguyện?

https://kinhtedothi.vn/mc-phan-anh-thua-nhan-tham-lam-khi-lam-tu-thien-436009.html