Người phụ nữ kết hôn 28 lần: Mánh khóe trên thị trường biển số xe chợ đen ở Trung Quốc

12:09 | 20-11-2020

Trong ba năm, một phụ nữ Bắc Kinh (Trung Quốc) 26 tuổi đã kết hôn và ly hôn 17 lần. Một phụ nữ khác, 37 tuổi, đã kết hôn và ly hôn 28 lần.

Nguyên nhân không phải họ thiếu quyết đoán hay quá kén chọn. Những đám cưới nối tiếp nhau của họ được thiết kế để nhằm mục đích buôn bán biển số xe ngoài chợ đen.

 

Hai người phụ nữ này đã bị bắt, nhưng họ chỉ là 2 trong số 166 nghi phạm bị bắt vì liên quan đến gian lận biển số xe trong tuần qua. Chính quyền Bắc Kinh cho biết họ quyết tâm trấn áp những vụ kết hôn giả như vậy.

 

Ở Bắc Kinh, nếu bạn muốn sở hữu và lái một chiếc ô tô, trước tiên bạn phải có biển số. Tuy nhiên, một hạn ngạch, được đặt ra vào năm 2011 đối với biển số cấp mới để nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông.

 

Từ năm 2011, tại thủ đô của Trung Quốc, các cơ quan chức năng đã triển khai chương trình quay số ngẫu nhiên để phân bổ các biển số xe. Trung bình cứ mỗi biển số xe có 3.000 người xếp hàng. Vì vậy, giá biển số trên thị trường chợ đen thậm chí còn vượt xa giá xe ô tô.

 

Ông Lin Xiaoke, một người dân Bắc Kinh tâm sự: “Để sở hữu một biển số xe là rất khó, khó hơn cả việc trúng xổ số. Tôi đã đi quay biển số xe 56 lần kể từ năm 2011 nhưng không có kết quả”.

 

Người dân Bắc Kinh, Trung Quốc muốn sở hữu biển số xe phải chờ nhiều năm (Ảnh: Getty)

 

Điều này dẫn đến tình trạng nhiều tài xế tìm kiếm những cách hợp pháp để lách luật. Trong đó hôn nhân giả là một cách được nhiều người lựa chọn bởi Bắc Kinh quy định chỉ cho phép trao biển số cho người phối ngẫu của mình.

 

Cò mồi sẽ đóng vai ông mai hoặc bà mối. Các cò mồi sẽ giúp sắp đặt đám cưới giữa một tài xế đang cần biển số xe Bắc Kinh và một cá nhân đã có sẵn tấm biển này. Sau khi người sở hữu biển số xe sang tên cho người cần mua thành công, họ có thể ly hôn.

 

Chi phí cho một cuộc kết hôn giả này rất cao. Thông thường, người mua sẽ phải trả cho cò mồi và người bán số tiền lên đến 24.000 USD cho ôtô chạy bằng xăng và 16.600 USD cho xe 4 bánh chạy bằng điện.

 

Trở lại trường hợp của hai người phụ nữ vừa bị bắt, cảnh sát cho biết, một cô gái 26 tuổi họ Bai bị cáo buộc đã kết hôn và ly hôn tới 28 lần để sang tên thành công 23 biển số xe trong 2 năm qua. Một người phụ nữ khác họ Li (37 tuổi) bị buộc tội kết hôn 17 lần và đã chuyển nhượng thành công 15 biển số xe.

 

Phương thức kết hôn giả còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác tại Trung Quốc. Điển hình như việc yêu cầu bồi thường khi các tòa dân cư bị dỡ bỏ trước ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.

 

Khi các tòa nhà bị phá đi, những người độc thân được bồi thường ít hơn các hộ gia đình. Bởi vậy, họ vội vàng tìm người để kết hôn nhận đường nhiều tiền hơn từ chính phủ hoặc nhà thầu. Sau khi nhận đầy đủ tiền bồi thường, họ sẽ ly hôn và số tiền này được chia đôi.

Theo tuoitrethudo.com.vn