Không đi theo lối mòn, cô gái trẻ làm nông nghiệp bằng công nghệ cao

13:51 | 18-12-2020

Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, chị Lê Thị Vân (Thọ Xuân, Thanh Hóa) chọn học ngành kỹ sư nông học tại trường Đại học Hồng Đức. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chị đã quyết tâm trở về quê hương làm giàu.

Vươn lên từ đất

 

Sinh ra trong gia đình thuần nông nên chị Vân thấu hiểu sự vất vả của cách làm nông truyền thống, nhất là ở những huyện miền núi nghèo như Triệu Sơn (Thanh Hóa). Chứng kiến bố mẹ phải thức khuya dậy sớm làm quần quật mà chỉ đủ ăn, từ những năm còn ngồi ghế nhà trường, chị đã trăn trở làm gì để vươn lên, thoát nghèo?

 

Câu hỏi đó khiến chị Vân quyết tâm thi đậu chuyên ngành kỹ sư nông học tại trường Đại học Hồng Đức. Tốt nghiệp, chị vào làm việc tại Tập đoàn Netafim của Israel về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

 

Chị Lê Thị Vân

 

Với mong muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, chị Vân luôn ấp ủ ý định về quê lập nghiệp. Nhận thấy hiệu quả từ việc sản xuất nông nghiệp truyền thống không cao, bên cạnh đó, nhiều loại thực phẩm nông nghiệp có chất bảo quản gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, chị quyết tâm làm theo hướng mới.

 

Từ kiến thức, kinh nghiệm tích lũy sau 10 năm làm việc cho tập đoàn Netafim của Israel, được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của các ban, ngành nhất là Đoàn Thanh niên, chị Vân mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nông nghiệp CNC Rich Farm, tại thị trấn Sao Vàng (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).

 

Công ty Rich Farm chuyên thi công, lắp đặt nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Rich Farm cũng sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, với sứ mệnh: “Vươn lên từ đất, làm giàu từ đất”.

 

“Những ngày đầu, tôi phải lặn lội tìm đầu mối liên kết, tìm hiểu nhu cầu của đối tác. Lĩnh vực mới nên chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để hỗ trợ đối tác xây dựng phương án, thiết kế hệ thống nhà màng, nhà lưới”, chị Vân chia sẻ.

 

Chị Lê Thị Vân với mô hình cà chua công nghệ cao

 

Chị Vân cho biết thêm, trong 10 năm làm việc cho một trong những tập đoàn đứng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, bản thân chị đã tích lũy được kinh nghiệm trong việc thi công nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới và kiến thức nông học. Tuy nhiên, chị nhận thấy sản phẩm của họ tốt nhưng chi phí rất cao. Nếu áp dụng đồng bộ sản phẩm của tập đoàn này thì chi phí lớn, thời gian khấu hao dài sẽ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã nhất là người nông dân.

 

Sáng tạo trong lao động

 

Với sự tìm tòi, học hỏi, chị Vân đã tìm ra giải pháp xây dựng nhà màng, nhà lưới phiên bản Việt Nam, phù hợp với “túi tiền” nông dân. "Bằng cách thay thế một số vật liệu trong nước, tôi đã giảm được 50% giá thành, rút ngắn thời gian thi công. Bên cạnh đó, chúng tôi có điều kiện hỗ trợ, miễn phí việc chuyển giao kỹ thuật mà vẫn giữ nguyên chất lượng công trình so với nhập khẩu", chị Vân chia sẻ.

 

Với việc xây dựng các mô hình, quy trình kỹ thuật sản xuất công nghệ cao phù hợp với người nông dân, hỗ trợ tối đa kỹ thuật sản xuất giúp họ tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao, công ty đã tạo được niềm tin đối với khách hàng trong và ngoài tỉnh.

 

Dưới lưới trồng theo công nghệ cao

 

Hiện tại, Rich Farm có 2 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Bắc Lương (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), quy mô 5.000m2 và tại xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) với quy mô 1,3ha. Công ty đã thiết kế và thi công trên 60 nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng như: Rau, cà chua… tại nhiều tỉnh thành.

 

Công ty đang có 35 lao động làm chính thức với mức lương 6,5 - 10 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ. Doanh thu công ty đạt 20 - 21 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng.

 

“Chúng tôi đã tạo được sản phẩm sạch mang thương hiệu Rich Farm như dưa lưới, dưa vàng, dưa lê Bạch Ngọc đường, cà chua… Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như phân bón, hạt giống, giá thể ươm cây tới tay người nông dân”, chị Vân cho biết.

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò Bí thư Chi đoàn, chị Vân còn tích cực hỗ trợ kinh phí các hoạt động Đoàn, phong trào thanh, thiếu nhi, công tác an sinh xã hội ở địa phương. Chị đã ủng hộ quỹ "Em nuôi của Đoàn" gần 50 triệu đồng; Tài trợ xây dựng một công trình hệ thống tưới tiêu cho Đoàn thị trấn Sao Vàng trị giá 15 triệu đồng...

 

Với những thành tích trên, chị Vân là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu đạt Giải thưởng Lương Định Của 2020 được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo chị Vân, để khuyến khích thanh niên nông thôn khởi nghiệp, tổ chức Đoàn cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ hơn nữa về chủ trương, chính sách; Tạo điều kiện cho bạn trẻ phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi. Đặc biệt tổ chức Đoàn cần phát huy vai trò kết nối giữa nhà đầu tư với người khởi nghiêp; Từ đó tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp đoàn kết trong thanh niên.

Theo Tuoitrethudo.vn