[Kỹ năng sống] Khám bệnh trong mùa dịch

08:56 | 01-08-2021

Mới đây, anh H. buộc phải đến Trung tâm Y tế quận Đống Đa, Hà Nội để khám và xin giấy chuyển viện. Trước đó, anh buộc phải nhập viện vì đường huyết tăng quá cao, nhưng do không có thời gian nên không đến cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để khám và có thể chuyển tuyến.

Trước đó, anh chần chừ vì sợ lây dịch bệnh nới đông người, nhưng sau khi được một bác sĩ quen khuyên, anh vẫn đi khám và mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

 

Theo các chuyên gia y tế, thời gian gần đây các bệnh viện phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch do ngại không dám đến bệnh viện khám, khi đến thì diễn tiến bệnh đã quá xấu.

 

 Khai báo y tế tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thanh Hải

 

Trên thực tế, tại các bệnh viện đều có các phương pháp để phòng chống dịch, phân luồng người bệnh; buộc người vào viện khai báo y tế, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…

 

Một chuyên gia y tế cho biết thêm: Hiện đang có hai thái cực xảy ra với người dân. Đó là có người thì chỉ bị bệnh nhẹ như hắt hơi, sổ mũi… lo mình nhiễm Covid-19 đã vội đi khám. Có người thì bệnh trở nặng, nhất là bệnh tim mạch, nhưng chần chừ vì sợ lây nhiễm nên không chịu đi khám.

 

Trong mùa dịch, tốt nhất mỗi người có một bác sĩ gia đình đúng nghĩa, nếu không có thì phải lưu số điện thoại của các bác sĩ quen để xin lời khuyên khi cần thiết. Việc này cũng không quá khó khăn vì gia đình nào cũng từng đi khám bệnh ở bệnh viện hoặc phòng mạch. Với những bệnh nguy hiểm như tim mạch, phổi… cần phải khám định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường.

 

Hiện tại, ở một số bệnh viện có sẵn dịch vụ đặt lịch và khai báo y tế online. Người bệnh nên tìm hiểu để thực hiện công đoạn này ngay ở nhà nhằm rút ngắn thời gian ở bệnh viện. Tốt nhất khi hoàn thành khám sàng lọc, hãy sát khuẩn tay nhanh rồi mới tiếp tục thăm khám, giảm bớt nguy cơ lây nhiễm hoặc phát tán bệnh.

 

Mới đây, anh N. cần đến Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, khám bệnh tiểu đường. Anh cũng ngại chen chúc thời dịch bệnh. Nhưng nhờ người quen mách bảo, anh gọi đến tổng đài của bệnh viện để được hướng dẫn và đặt lịch khám. Bất ngờ là anh được cô nhân viên hướng dẫn nhiệt tình, cho giờ khám luôn, dặn đến bệnh viện cổng nào, đến chỗ nào để được hướng dẫn tiếp. Đây là cách làm được khá nhiều bệnh viện thực hiện; cũng rất tiếc có một số bệnh viện chưa áp dụng cách làm hay này. Thêm nữa, dù bệnh viện áp dụng đặt lịch khám qua điện thoại, nhưng người dân chưa biết đến do cách truyền thông của bệnh viện chưa hiệu quả, chưa đến với rộng rãi người dân.

 

Điều cuối cùng, khi đi khám bệnh, người dân vẫn tuân thủ quy định 5 K của ngành y tế, đặc biệt chú ý khai trong tờ khai y tế (bằng giấy hoặc điện tử) trung thực, tình trạng sức khỏe, nơi lưu trú. Trên trang thông tin điện tử của Cục Y tế dự phòng còn hướng dẫn: Khi đi khám bệnh về nhà, cần sát khuẩn tay, hoặc rửa tay bằng xà phòng nhiều lần dưới vòi xối sau đó mới cởi khẩu trang nơi vật dụng được đậy kín; thay đồ cần giặt sạch và phơi nắng.

https://kinhtedothi.vn/ky-nang-song-kham-benh-trong-mua-dich-429396.html