Tiếc thương vị Chủ tịch VFF tuổi Ngọ vừa ra đi

16:37 | 17-06-2022

Nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã ra đi trong sự nối tiếc của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Ông được coi là một trong những quan chức bóng đá “ăn sóng, nói gió”, có nhiều đóng góp trong quá trình đưa bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp.

Nguyên Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã ra đi trong sự nối tiếc của hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Ảnh VFF

 

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang tuổi Giáp Ngọ (1954) có thân sinh là cụ Nguyễn Quyền Sinh (tên thật là Nguyễn Ngọc Lượm) - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.

 

Vốn yêu thích thể thao nên ông từng làm Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam. Đến giờ, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao 2 anh em ông (Nguyễn Hùng Việt, Lê Hùng Dũng) lại có họ khác nhau, ông Dũng phải mang họ mẹ?

 

Ông Lê Hùng Dũng bên cạnh người cha Nguyễn Quyền Sinh thân yêu  cũng rất yêu thể thao (ảnh chụp 1996- GĐCC)

 

Vất vả đường công danh

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng bạn thân của ông Nguyễn Quyền Sinh đã bật mí trong một bài ký, lý do rất đơn giản, ông Lê Hùng Dũng sinh ra trong tháng 1 năm 1954, còn ông Sinh lên tàu ra Bắc tập kết (tháng 8/1954), nên để giữ bí mật, phải cải sang họ mẹ và cái tên này theo đuổi ông đến ngày ra đi về với tổ tiên ông bà 17/6/2022. Còn các con ông, sau này lại cải sang họ Nguyễn, họ nội của mình.

 

Ông Nguyễn Quyền Sinh sau này là cán bộ cao cấp ngành công an, từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục phục vụ ngoại giao đoàn. Sau đó, ông được biệt phái sang lĩnh vực du lịch và từng làm Giám đốc công ty du lịch TP Hồ Chí Minh, Phó tổng Cục trưởng rồi Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch.

 

Là một doanh nhân tài năng, người làm bóng đá chuyên nghiệp, có uy tín cao trong xã hội ông đã giúp VFF nâng cao cả uy tín đối ngoại lẫn đối nội. Ảnh PL

 

Điều này đã lý giải ông Lê Hùng Dũng vì sao từng học tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Praha Tiệp Khắc về nước lại làm ngành du lịch. Từ năm 1986-2003, ông Dũng từng đảm nhận các vị trí Phó giám đốc nhà hàng Festival (Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam), Giám đốc trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch Thanh niên Việt Nam.

 

Đang thành công ở lĩnh vực du lịch đột nhiên ông chuyển sang lĩnh vực đá quý, rồi tài chính ngân hàng và cuối cùng là bóng đá. Dường như cái vận người tuổi Ngọ đã khiến ông phải bôn ba và vất vả trên con đường công danh, sự nghiệp.

 

Năm 2014, cố Chủ tịch Lê Hùng Dũng thực hiện in một cuốn sách ảnh với rất nhiều khoảnh khắc ngoài đời hiếm thấy về ông. Ảnh TA

 

Từ tháng 8/2003 đến nay, ông Dũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC và đại diện phần vốn góp tại Eximbank, với chức danh Chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2010. Sau này, khi ông Dũng không sở hữu cổ phiếu nào của Eximbank (từ giữa năm 2013), nhưng lại đại diện cho hơn 25.62 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2.07%) thuộc sở hữu của SJC.

 

“Anh Hai” của sân cỏ Việt Nam

 

Ông Dũng bước vào làng bóng đá khá sớm, từ năm 1997 đây là thời điểm giao thời giữa 2 Chủ tịch Liên đoàn bóng đá ông Đoàn Văn Xê (Vốn là Tổng giám đốc Liên hiệp đường sắt Việt Nam) và  Mai Văn Muôn. Khi ấy, ông được giới “quần đùi, áo số” biết đến trong vai trò Trưởng ban Tài chính - Vận động tài trợ, sau thành công trong việc tổ chức giải U21 năm 1997. Đến giờ, VCK U21 năm 1997 vẫn được coi là mẫu mực về công tác tổ chức, nhất là khâu ăn ở cho trọng tài, HLV và cầu thủ.

 

Tưởng như sân cỏ Việt Nam sẽ có cặp bài trùng ưng ý Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn và Trưởng ban Tài chính - Vận động tài trợ Lê Hùng Dũng thì ông lại đột nhiên ở ẩn. Có rất nhiều lý giải về điều này nhưng tựu chung đều cho rằng ông sếp ngân hàng-tài chính vốn ăn to, nói lớn khó lòng hòa nhập được với môi trường bóng đá khắc nghiệt lúc ấy. Trong đó, bối cảnh ngân hàng Eximbank tại thời điểm ấy cũng không phải thuận lợi cho lắm, ông khó lòng chia sẻ quỹ thời gian cho VFF.

 

Ông Lê Hùng Dũng  đã có nhiều hoạt động đối ngoại nâng cao vị thế bóng đá Việt Nam (ảnh tại trụ sở FIFA năm 1999). Ảnh GĐCC

 

Sau một nhiệm kỳ vắng bóng (2001-2005), ông Dũng trở lại VFF với bài diễn thuyết đầy sức nặng khi tuyên bố đội U23 Việt Nam sẽ được thưởng sáu tỷ đồng nếu vượt qua Thái Lan, giành HCV SEA Games. Có thể nói cho đến giờ, sau 11 đời Chủ tịch VFF, thì thời ông Lê Hùng Dũng là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF khóa 5 (2005-2009), khóa 6 (2009-2013) lĩnh vực này của VFF được coi là suôn sẻ nhất.

 

Là người nắm giữ “hầu bao” của VFF, ông Dũng đã để lại dấu ấn khi mời được Olympic Brazil đến Việt Nam du đấu vào năm 2008; góp phần quan trọng vào các chuyến du đấu của CLB Arsenal, Manchester City tại Việt Nam vào các mùa Hè. Đây là điều mà các thế hệ sau chưa làm được, dù có lúc cũng có tiền.

 

Sau hai nhiệm kỳ giữ chức Phó Chủ tịch phụ trách tài chính thành công, ông trở thành quyền chủ tịch VFF vào tháng 12/2013 do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Ông Lê Hùng Dũng chính thức trở thành Chủ tịch VFF thứ 9 của bóng đá Việt Nam tại Đại hội nhiệm kỳ VII ngày 25/3/2014 (nhiệm kỳ 2014-2018). Cặp bài trùng Lê Hùng  Dũng (Chủ tịch VFF) và Trần Quốc Tuấn (Tổng thư ký) đã giúp bóng đá Việt Nam đã 2 lần giành chức vô địch AFF Cup vào các năm 2008, 2018.

 

Bản chất con người Nam Bộ, biết sao nói thế nên ông đã tập hợp được rất nhiều ông bầu ngân hàng, xi măng, sắt thép…tham gia đầu tư vào sân cỏ. Ảnh GĐCC

 

Bản chất con người Nam Bộ, biết sao nói thế nên ông đã tập hợp được rất nhiều ông bầu ngân hàng, xi măng, sắt thép… tham gia đầu tư vào sân cỏ. Là một doanh nhân tài năng, người làm bóng đá chuyên nghiệp, có uy tín cao trong xã hội ông đã giúp VFF nâng cao cả uy tín đối ngoại lẫn đối nội.

 

Bệnh tật đã khiến ông Lê Hùng Dũng không có ảnh hưởng nhiều khi làm Chủ tịch VFF khóa 7 nhưng ông chính là người tiến cử Trần Quốc Tuấn vào vị trí cầm lái “con thuyền” bóng đá Việt Nam để có 2 HCV SEA Games. Chính việc bước vào ngôi nhà bóng đá VFF với tâm thế hết lòng vì sự phát triển của sân cỏ nước nhà đã giúp ông mời được các ông bầu Đoàn Nguyên Đức (HAGL), Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An)… tham gia VFF. Đến với bóng đá, Bầu Dũng đã không nhận một xu thù lao khi làm Phó Chủ tịch, rồi chủ tịch VFF, ngược lại, khi đội tuyển quốc gia thắng lợi ông còn móc ví thưởng riêng nhân viên. Có thể xem đó là phong thái rất anh Hai!

 

Đông đảo người hâm mộ Việt Nam dành sự kính trọng, tiếc thương nguyên Chủ tịch VFF khóa 7 Lê Hùng Dũng. Ảnh GĐCC.

 

Đến năm 2011, khi bầu Kiên “nổ bom” tại hội nghị tổng kết của VFF và yêu cầu thành lập Công ty CP bóng đá Việt Nam để điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp thì người ta vẫn dành cho ông Lê Hùng Dũng sự tôn trọng đúng mực. Khó có thể cân đong đo đếm hết những gì ông giành cho bóng đá Việt giai đoạn khó khăn khi chuyển từ bao cấp sang chuyên nghiệp. Không có tình yêu lớn, không thể nào làm được.

 

Đến giờ, có khoảng hơn 30 ông bầu đến với bóng đá, có người đến rồi đi thì khi đã ra đi sau một thời gian trọng bệnh, bầu Dũng vẫn được chính các đồng nghiệp tại ngân hàng, VFF, các CLB và đông đảo người hâm mộ Việt Nam dành sự kính trọng, tiếc thương. Bài viết, như một nén hương lòng xin gửi đến gia quyến ông, lời chia buồn sâu sắc, thành kính nhất.

https://kinhtedothi.vn/tiec-thuong-vi-chu-tich-vff-tuoi-ngo-vua-ra-di.html