Kể từ khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, các nhà khoa học đã nghiên cứu các đột biến gene virus để xem những đột biến này có khiến hệ miễn dịch khó phát hiện ra virus hay có khiến bệnh COVID-19 dễ chuyển nặng hơn không.
SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh COVID-19 sử dụng protein gai để bám vào tế bào cơ thể người và bắt đầu nhân lên trên vật chủ.
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, nếu đột biến xảy ra ở protein gai, virus sẽ dễ dàng xâm nhập tế bào cơ thể hơn. Ngoài ra, những đột biến này cho phép virus lẩn tránh hệ miễn dịch phát hiện sớm, do đó người có miễn dịch nhờ tiêm vắc xin hay từng mắc COVID-19 trước đó vẫn có thể bị nhiễm lại.
Biến chủng BA.5 Omicron
Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, BA.4 và BA.5 có những đột biến căn bản ở protein gai khiến cho hai dòng phụ này khác biệt so với phiên bản Omicron "tàng hình" BA.2 hay các dạng khác của virus SARS-CoV-2.
WHO cho biết đã bắt đầu truy vết BA.4 và BA.5 bởi các đột biến mới cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ về khả năng trốn thoát hàng rào miễn dịch của virus.
Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, BA.4 và BA.5 là hai thủ phạm khiến họ đối mặt hàng loạt làn sóng COVID-19 mới. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 14/6 thông báo tính đến ngày 11/6, có tới hơn 21% số ca mắc COVID-19 tại nước này là do nhiễm hai dòng phụ của biến thể Omicron là BA.4 và BA.5; số ca mắc mới COVID-19 trong vòng 7 ngày (tính đến ngày 11/6) tại Mỹ là 105.615 ca, tăng 6,7% so với 1 tuần trước đó.
Số ca nhiễm COVID-19 tăng lại ở Singapore. Có đến 45% ca nhiễm trong cộng đồng trong tuần qua là do biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra, tỉ lệ này tuần trước đó là 30%.
Do sự gia tăng trên toàn cầu về số ca nhiễm biến chủng BA.5 Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp nó là "biến chủng đáng lo ngại". Các chuyên gia tại cơ quan y tế hàng đầu của Đức cảnh báo số ca nhiễm BA.5 Omicron có thể gia tăng trong mùa hè này.
BA.5 xuất hiện ở Nam Phi vào đầu tháng 5, nhưng làn dịch gây ra bởi biến chủng này tương đối nhỏ và hiện đã lắng xuống. Tuy nhiên, ở Bồ Đào Nha, biến chủng này chiếm 80% số ca nhiễm mới. BA.5 dễ lây lan hơn các biến chủng Omicron khác do mang theo các đột biến riêng giúp virus bám dính vào tế bào vật chủ nhanh hơn, dễ dàng hơn.
Ảnh minh hoạ
Đồng thời, WHO cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin, giám sát trọng điểm...
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua giải trình tự gene các bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam đã phát hiện biến thể phụ mới BA.5 của biến chủng Omicron. Việc Việt Nam phát hiện biến thể phụ là điều tất yếu và đã được cảnh báo trước.
Theo một số ý kiến, cả 2 biến thể BA.4 và BA.5 khả năng lây lan nhanh hơn và biểu hiện nặng. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, bài bản nên chưa thể công bố.
“Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao các thông tin về biến chủng mới từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO)”, ông Lân nói.
Bình luận