Những sai lầm dẫn đến hậu quả khôn lường
Bắt đầu một chặng đường mới, hầu hết các bạn sinh viên năm thứ nhất đều rất hào hứng. Ai mà chẳng muốn được tự do, tự mình quyết định mọi điều chẳng hạn như hôm nay sẽ đi đâu, chi tiêu ra sao.
Tuy nhiên, có một sự thật rằng, nhiều bạn khi là sinh viên năm nhất đã mải chơi, và có tâm lý nghỉ xả hơi sau 12 năm đèn sách mà không nhận ra tầm quan trọng của việc học đại học. Điều này một phần là do chưa nắm được các kỹ năng học tập, một phần nữa là quá hào hứng khi đậu đại học nên dẫn đến tình trạng mải chơi, ăn mừng… lơ là học tập.
Bước vào cổng trường đại học, nhiều sinh viên năm thứ nhất thường có tâm lý nghỉ ngơi sau một thời gian ôn thi vất vả
Việt Anh (sinh viên năm 2, trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nhận ra những tác hại của việc chểnh mảng học hành sau khi buông mình theo những cuộc chơi hấp dẫn bên ngoài từ năm thứ nhất đại học, “Đầu năm thứ nhất, mình mang tư tưởng “học đại học như đi chơi” và cũng muốn nghỉ ngơi bởi trước đó đã vất vả để thi đỗ vào trường. Thế nhưng, do chơi quá đà mà mình đã phải nhận bảng điểm GPA 2.5/4.0 và cảnh báo học vụ”.
Tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mỗi năm có tới hàng trăm sinh viên của trường bị buộc thôi học. Đây là việc không ai mong muốn, nhưng lại là điều cần thiết để trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó phần lớn là vì không ít tân sinh viên do “ngủ quên trên chiến thắng”, mải chơi chứ không phải chương trình học quá khó. Hệ lụy của điều này là số lượng sinh viên bị đình chỉ, đuổi học ngày càng nhiều.
Theo Anh Thư (sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), các giảng viên của trường đại học không bám sát với sinh viên như thầy, cô ở cấp THPT, nên nếu không tập trung học ngay từ đầu, sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng tân sinh viên không bắt kịp với tiến độ học tập tại trường.
Khi còn ở cùng với gia đình, được chăm sóc kỹ càng đến từng bữa ăn, mọi việc đều có bố mẹ nhắc nhở, đến đi học đại học, nhiều bạn xa nhà phải sống một mình, tự chủ mọi thứ, không ít bạn sinh viên năm thứ nhất sa vào tệ nạn xã hội, có tư duy lệch lạc rằng, chơi trước, từ từ học sau. “Tâm lí của một sinh viên mới chưa biết lo nghĩ nhiều mà chỉ muốn thoải mái xả hơi khi bước chân vào đại học. Khi được gia đình, họ hàng cho một số tiền kha khá coi như món quà đậu đại học, nhiều bạn dễ dàng mải mê tiêu xài hoang phí cho những cuộc chơi mà không lo nghĩ đến hậu quả sau này”, Anh Thư chia sẻ.
Bài học để trưởng thành
Là người đi trước và nhận thấy hậu quả khôn lường nếu không tập trung học ngay từ năm nhất, Ngọc Mai (sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đề cao tầm quan trọng của việc tự học, “Tại đại học không ai đốc thúc bạn mỗi ngày thế nên tự học là luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình học tập. Ngoài những kiến thức trên giảng đường thì những kiến thức lĩnh hội từ thầy cô, bạn bè cũng sẽ rất bổ ích sau này”.
Ngọc Mai cho biết thêm, hiện tại, phần lớn các trường đại học đều quy định mức chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên. Nếu các bạn không đạt chuẩn tiếng Anh thì rất có khả năng bị cảnh báo học tập hay sinh viên sẽ ra trường muộn mà đánh mất nhiều cơ hội.
Các anh, chị đi trước đưa ra lời khuyên tân sinh viên nên tập trung học tập ngay từ năm đầu đại học
Những năm đầu đại học là thời gian lý tưởng để sinh viên phát triển những kỹ năng còn thiếu để phục vụ cho cuộc sống và công việc sau này nhưng nhiều bạn lại bào chữa rằng lên năm 3, năm 4 học vẫn chưa muộn. Bạn Anh Thư đưa ra lời khuyên, “Ngay từ năm thứ nhất, các bạn nên tận dụng quãng thời gian này để trau dồi những kỹ năng cho bản thân thay vì mải mê với các cuộc chơi bên ngoài xã hội bởi thời gian trôi qua rất nhanh. Việc tham gia câu lạc bộ tại trường, mở rộng mạng lưới các mối quan hệ cũng sẽ giúp bạn nâng cao sự tự tin và hoàn thiện những kỹ năng mềm cần thiết”.
Việt Anh chia sẻ rằng bài học lớn nhất mà chàng trai này nhận được chính là bản thân tự nhận lấy hậu quả khi không tập trung học ngay từ năm nhất.
“Tâm lý nghỉ ngơi sau khi vất vả ôn thi vào trường đã khiến mình trượt kha khá môn và mông lung không biết bắt đầu học lại từ đâu, đánh mất đi quyết tâm ban đầu. Vì thế, mình nhận ra rằng những năm tháng tại đại học sẽ lãng phí nếu như không nghiêm túc với mục tiêu và dự định của chính mình ngay từ đầu”.
Việt Anh cho rằng sau một khoảng thời gian năm thứ nhất vướng vào tình trạng “ngủ quên trên chiến thắng”, cậu bạn đã nhận ra và dần biết cách xem xét và học hỏi các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này. Năm thứ nhất mà biết quản lý bản thân, tránh sa đà vào những cuộc chơi thì những năm về sau sẽ càng dễ cố gắng để phát triển bản thân hơn và đạt được mục tiêu mà mình mong muốn.
Bình luận