24h/ngày liệu có đủ?
4 giờ sáng, trong căn phòng trọ chưa đầy 25m2 nằm sâu trong làng Cốm Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy vẫn có tiếng lạch cạch gõ phím của Nguyễn Anh Thư, sinh viên năm 3, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.
Anh Thư cho biết, hôm nay là ngày thứ 3 bản thân phải thức trắng làm việc. “Do bọn mình chuẩn bị kết thúc một số môn nên bài tập khá nhiều. Mình đã dành cả buổi tối để làm tiểu luận nên phải gần sáng mới có thể dành ra một chút thời gian chạy nốt deadline cho công ty. Ngồi thiết kế một lúc ngẩng lên nhìn đồng hồ đã gần sáng rồi.”, Thư chia sẻ.
Linh Chi phải ghi lại công việc cần làm mỗi ngày
Mới bước vào năm cuối Đại học Kinh tế quốc dân nhưng Nguyễn Linh Chi đã được tuyển dụng vào một công ty đa quốc gia với một vị trí công việc bán thời gian. Không những thế, cô sinh viên này còn bán đồ online cùng nhóm bạn.
Một ngày vừa đi học, vừa đi làm của Chi bắt đầu từ từ 7 giờ sáng cho tới nửa đêm với những hoạt động như đến trường, đến công ty, đi giao hàng. Thời gian này, cô bạn còn phải làm tiểu luận, viết dự án… Vì vậy, có những ngày, 1,2 giờ sáng Linh Chi mới lên giường đi ngủ.
Chi cho biết: “Làm nhiều việc một lúc như vậy vì mình muốn kiếm thêm thu nhập và cũng để có thêm kinh nghiệm. Việc đi café hay đi chơi, đi xem phim với bạn với mình nó là cái gì rất xa xôi. Tuy nhiên mình biết phải làm sao khi mà mọi thứ cứ cuốn vào guồng quay rồi.”.
Làm nhiều việc một lúc sẽ giảm hiệu quả công việc
Hệ quả của ôm đồm công việc một lúc thường là các bạn trẻ khó có thể sắp xếp thời gian biểu hợp lý, dẫn đến tình trạng quá tải.
Trong quá trình tham gia Câu lạc bộ tại trường, Mạch Thu Diệu, sinh viên năm 2, Học viện Chính sách và Phát triển cảm thấy mất cân bằng trong việc sắp xếp công việc.
Nữ sinh chia sẻ: “Do bản thân đang phấn đấu để được mọi người công nhận, cho nên việc gì của câu lạc bộ mình đều muốn làm, dù đó không phải việc được giao. Có lần để chuẩn bị cho sinh nhật câu lạc bộ, mình đã nhận từ viết bản đến chuẩn bị hậu cần. Lúc đầu, cảm thấy mình có thể làm tốt nhưng về sau thì không như mình nghĩ.”
Thu Diệu gần như rơi vào trạng thái “quá tải”
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc đảm nhiệm nhiều công việc trong khi bản thân không có khả năng có thể giảm hiệu suất hoàn thành và gây hại cho não bộ, bởi não bộ con người chỉ có thể tập trung được vào một việc duy nhất, nên làm nhiều thứ cùng một lúc sẽ khiến não bộ không điều tiết đủ để xử lý vấn đề.
Do đảm nhận nhiều công việc cũng một lúc khiến Thu Diệu không thể quán xuyến và hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ. Một sự cố xảy ra trong quá trình chuẩn bị đã Diệu thay đổi tư duy làm việc của mình.
“Khi mà nhận quá nhiều việc như thế, tất nhiên là mình không thể lo chu toàn mọi thứ. Do hao hụt sức khỏe, cũng như tâm lý sợ cận kề deadline nên mình đã mắt nhắm mắt mở ký nhầm hợp đồng thuê sân khấu. Tổn thất gây ra khá lớn đối với sinh viên như mình, khi đó chẳng biết làm như nào, đành phải bỏ tiền túi ra bồi thường.” Thu Diệu kể lại sự cố mình gặp phải.
Trên tạp chí The Journal of Experimental Psychology mới đây, nghiên cứu của Tiến sĩ Meyer và các cộng sự đã chỉ ra những hệ quả tiêu cực từ thói ôm đồm nhiều việc. Theo đó, nghiên cứu đã cho ra kết luận trái với suy nghĩ thông thường của nhiều người trẻ: Thói quen làm nhiều việc một lúc kỳ thực làm giảm hiệu quả công việc, gây mất thời gian vô ích, giảm sức khỏe tinh thần và nhiều tác hại khác.
Có thể thấy, để chứng tỏ năng lực, bạn không thất thiết là phải làm được nhiều việc, vì chất lượng rõ ràng vẫn quan trọng hơn số lượng. Quá khiên cưỡng chỉ khiến cho mong muốn chứng minh năng lực làm việc của bản thân mình lại dẫn đến bộc lộ những điểm còn yếu kém. Vì vậy, chỉ khi người trẻ thực sự hết lòng vì công việc thì sẽ không có rào cản nào có thể cản trở quá trình phát triển của mỗi người.
Bình luận