Nhà chức trách Mỹ vừa bất ngờ lên tiếng phản đối Australia, liên quan đến dự thảo luật buộc Facebook và Google phải trả tiền mua tin tức từ các cơ quan truyền thông. Nếu luật được thông qua, Australia sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới quản lý được chuyện này.
Theo dự thảo luật của Australia, đang nhận được sự ủng hộ rộng khắp và đã được trình lên ủy ban thượng viện, Google và Facebook sẽ bị áp giá mua tin tức nếu không thể đạt được thỏa thuận thương mại với các cơ quan truyền thông nước này.
Mặc dù vậy, phía Mỹ đã có văn bản đề nghị Australia ngừng kế hoạch xây dựng luật. Cụ thể, các Trợ lý Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, Daniel Bahar và Karl Ehlers, khuyến cáo Australia “nghiên cứu thêm về thị trường, và phát triển một bộ quy tắc tự nguyện nếu cần”.
Văn bản ghi rõ: “Chính phủ Mỹ lo ngại rằng nỗ lực dùng luật pháp để can thiệp vào vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, cụ thể nhắm vào 2 công ty Mỹ, có thể dẫn đến những hậu quả nguy hại. Điều này tạo ra hoài nghi về nghĩa vụ thương mại quốc tế của Australia".
Chính quyền Australia công bố dự thảo luật vào tháng trước, sau khi một cuộc điều tra cho thấy các gã khổng lồ công nghệ nắm giữ quá nhiều quyền lực trên thị trường ngành truyền thông, một tình thế được cho là gây ra mối đe dọa.
Cuộc điều tra của Ủy ban Cạnh tranh thị trường và Người tiêu dùng Australia (ACCC) chỉ ra rằng, cứ 100 AUD chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến thì 53 AUD chảy về Google, 28 AUD dành cho Facebook và chỉ có 19 AUD thuộc về cho các công ty truyền thông khác (1 AUD tương đương 0,77 USD).
Google và Facebook sẽ bị áp giá mua tin tức ở Australia nếu không thể đạt được thỏa thuận thương mại với các cơ quan truyền thông nước này
Phản hồi với đề nghị từ phía Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Australia, Josh Frydenberg, chỉ tuyên bố rằng chính phủ nước này vẫn tập trung xây dựng một bộ luật bắt buộc, nhằm giải quyết “sự chênh lệch trong khả năng thương lượng giữa các nền tảng số với các cơ quan truyền thông”.
Về phần mình, sau khi vận động hành lang chính phủ Australia không thành công, Google và Facebook đã nói bóng gió về việc phải hạn chế cung cấp dịch vụ ở nước này.
Bình luận