Hà Nội: Ấm áp tình người trong đại dịch Covid-19

10:00 | 15-09-2021

Với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, toàn TP Hà Nội đã thực hiện chính sách an sinh xã hội hỗ trợ cho 2.814.361 lượt người dân, người lao động, hộ gia đình với số tiền 1.101,760 tỷ đồng, tính đến cuối ngày 14/9/2021.

Hỗ trợ trên 1.101 tỷ đồng cho người dân gặp khó

 

Nhằm chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống cho người dân, người lao động, bao gồm cả lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại Hà Nội, từ đầu tháng 7/2021, các sở, ngành, tổ chức chính trị có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 1.101,760 tỷ đồng. Trong đó, có 829,955 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 15/NQ-CP; và 271,805 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ cho các đối tượng.

 

 Từ chính sách đặc thù của TP Hà Nội, đến nay đã có trên 285.000 người, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được hỗ trợ kinh phí. Ảnh: Trần Oanh.

 

Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, TP Hà Nội đã triển khai được 11/12 nhóm đối tượng, với kinh phí hỗ trợ 540,743 tỷ đồng cho trên 1,617 triệu NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Riêng đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã thực hiện cho 89.501 đơn vị với 1,423 triệu lao động, số tiền 147,3 tỷ đồng. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội TP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất của 93 đơn vị với 6.594 NLĐ, số tiền 48,35 tỷ đồng. 28 quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 16.780 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với kinh phí 67,18 tỷ đồng. Sở LĐTB&XH Hà Nội ghi nhận các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy thực hiện tương đối tốt đối với nhóm chính sách này...

 

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các nhóm đối tượng đều bị ảnh hưởng, tuy nhiên, đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị ảnh hưởng sâu nhất do đặc thù công việc dừng việc là hết tiền. Để lao động tự do, trong đó có lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại vượt qua khó khăn, các quận, huyện đã hết sức linh hoạt và sáng tạo để rà soát, phê duyệt hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Đến nay, 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 149.835 lao động tự do số tiền 224,75 tỷ đồng. Đến cuối ngày 14/9, đã có 125.751 lao động tự do được nhận 188,62 tỷ đồng.

 

 Nhiều người lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại Hà Nội đã được hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu. Ảnh: Oanh Trần.

 

Với quan điểm không để người dân nào bị thiếu đói, ngày 13/8/2021 HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-HĐND quy định một số  chính sách đặc thù của TP Hà Nội hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cùng với sự khẩn trương của các địa phương, các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 285.468 người, hộ kinh doanh (thuộc 7/8 nhóm đối tượng) với số tiền 289,211 tỷ đồng. Hiện nay, các sở, ngành và quận, huyện, thị xã đang triển khai thực hiện đối với các nhóm đối tượng khác của Nghị quyết 15/NQ-HĐND. Với tinh thần “tương thân tương ái”, TP Hà Nội, các tổ chức chính trị, xã hội TP và các quận, huyện, thị xã huy động các nguồn lực hỗ trợ cho 911.893 người với số tiền 271,805 tỷ đồng, giúp nhiều hộ gia đình, người lao động vượt qua khó khăn thực hiện giãn cách xã hội.

 

Tiếp nối những hành động đẹp vì cộng đồng

 

Khi Hà Nội vẫn còn những ca F0 ngoài cộng đồng, ngày 3/9/2021, Chủ tịch UBND TP ra Chỉ thị 20/CT-UBND về thực hiện giãn cách trên địa bàn TP đến ngày 21/9. Nhằm chia sẻ với những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoại tỉnh bị kẹt lại Thủ đô, từ trước đó, rất nhiều phường, xã, tổ dân phố, khu dân cư đã lập các trang fanpage trên Zalo, Facebook để mọi người cập nhật thông tin những người có nguy cơ thiếu ăn để được trợ giúp kịp thời. Không chỉ vậy, các phường, xã còn tích cực tham gia ứng dụng Zalo Conect trên mạng Zalo để “Giúp người khó khăn quanh bạn” về lương thực, thực phẩm, thuốc men. “Tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của quận Tây Hồ, cùng với sự vào cuộc của MTTQ, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên… mỗi khi trên nhóm Zalo Conect có người trên địa bàn kêu cứu là chúng tôi kiểm tra và rà soát ngay. Đến nay, từ nguồn xã hội hóa, phường Xuân La đã hỗ trợ trên 1.652 suất quà cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn. Phường còn tổ chức “Gian hàng 0 đồng” để kịp thời trao những phần quà thiết thực tới tận tay những người có hoàn cảnh khó khăn” – Chủ tịch UBND phường Xuân La (quận Tây Hồ) Nguyễn Đình Hà cho hay.

 

Trong những ngày giãn cách xã hội, những người dân, lao động tự do trên địa bàn Hà Nội được tặng gạo, trứng, dầu ăn, lạc, rau xanh,..từ

 

Giúp đỡ những người yếu thế, người gặp khó khăn trong do đại dịch Covid-19 là hành động đẹp, thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách” đã được lan tỏa rộng với những cách làm sáng tạo. Rất nhiều nhóm hoạt động thiện nguyện được thành lập để mọi người đùm bọc lẫn nhau. Đơn cử, từ Chương trình chia sẻ thực phẩm hằng ngày, cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 nhằm giúp đỡ những người nghèo thành thị năm 2020, năm nay anh Nguyễn Phan Huy Khôi đổi tên thành Hà Nội – Giúp nhau mùa dịch. Nhóm thiện nguyện này đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và đoàn thể các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn Hà Nội để chuyển lương thực thực phẩm đến đúng đối tượng. Từ hoạt động tích cực của những nhóm thiện nguyện đã có rất nhiều trường hợp khó khăn được giúp đỡ kịp thời.

 

 Người lao động phấn khởi khi được hỗ trợ những phần quà là lương thực thực phẩm thiết yếu. Ảnh: Thủy Trúc.

 

Hoạt động của các nhóm thiện nguyện đã lan tỏa lòng tốt đến nhiều thành viên với những hành động hết sức có ý nghĩa. Nhiều cá nhân cho dù đang chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhưng vẫn muốn được giúp đỡ cộng đồng. Có những người như anh Khang Minh công khai số điện thoại để ai đau ốm cần đi bệnh viện bằng ô tô thì gọi ngay để được trợ giúp. Hay, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ai cũng rất ngại và sợ tới bệnh viện thì bác sĩ Nguyễn Tiến Hải chuyên về tai mũi họng tình nguyện tư vấn online. Nhiều anh, chị có nhà chưa sử dụng sẵn sàng mời người chưa có chỗ trú đến ở miễn phí.

 

Thấu hiểu hoàn cảnh của những lao động tự do xa quê ráo mồ hôi là hết tiền, nhiều chủ nhà trọ đã giảm 30%, 50%, 70%, thậm chí 100% tiền phòng và tặng thêm mỳ tôm, trứng...trong những ngày giãn cách xã hội. Thật xúc động khi nửa đêm, một thành viên trong nhóm Hà Nội – giúp nhau mùa dịch nhận được thông tin nhóm 5 anh em thợ cốt pha dân tộc Thái đi bộ từ Long Biên về quê Yên Bái, đã ngay lập tức đi xe máy xuống Cầu Diễn – nơi nhóm thợ đang trú mưa dưới gầm cầu thang đường bộ. Và, 5 anh em lao động tự do đã được bố trí chỗ ăn, ngủ, test covid, cách ly, sau đó được hỗ trợ đến hết thời gian Hà Nội giãn cách xã hội.

 

Những hành động và nghĩa cử cao đẹp của của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã giúp được rất nhiều người nghèo, người khó khăn, người yếu thế...trong lúc khó khăn vì dịch Covid-19. Những hành động nhân văn đó đã lan tỏa và gieo niềm tin về lòng tốt, đó chính là động lực, sức mạnh to lớn để Hà Nội cùng cả nước sớm quyết tâm chiến đại dịch Covid-19.

https://kinhtedothi.vn/ha-noi-am-ap-tinh-nguoi-trong-dai-dich-covid-19-434850.html