Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ... đã cuốn trôi nhiều diện tích đất đai và công trình hạ tầng. Bờ biển bị xói lở, ăn sâu vào đất liền, khoảng cách từ biển vào các khu dân cư ngày một gần hơn. Nhiều cửa sông, cửa lạch bị đất cát bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào, ảnh hưởng rất lớn đến khai thác, đánh bắt thủy sản.
Đất cát bồi lắng, tàu thuyền khó ra vào, gây nhiều khó khăn trong đánh bắt thủy sản
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân ở xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh cho biết, khe Cố Luận ở thôn Phú Lợi ngày càng mở rộng, khoét sâu bởi sóng biển xâm thực. Đó là chưa kể đến dọc bờ biển xuất hiện nhiều điểm sạt lở do sự bào mòn, xâm lấn của sóng biển gây ra. Những tác động bất lợi của triều cường đã gây không ít lo lắng cho người dân, nhất là vào mùa mưa bão.
Để ứng phó với thời tiết cực đoan, đặc biệt là sạt lở đất ven biển, hàng năm Nhân dân đã tổ chức trồng cây phi lao chắn sóng, chống sạt lở và chắn cát bay. Các hộ gia đình ở sát biển thường xuyên neo giằng nhà cửa, thậm chí có hộ còn mua gạch đá, xi măng xây kè chống sạt lở để ổn định cuộc sống lâu dài.
Một số nơi xung yếu người dân phải ghép đá, xây kè chống sạt lở bờ biển để ổn định cuộc sống
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết, những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã huy động mọi nguồn lực tập trung trồng rừng ngập mặn, xây dựng các công trình kè chống sạt lở bờ biển.
Hiện nay hầu hết công trình thuộc dự án phòng chống biến đổi khí hậu ở các huyện ven biển như: Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… đều phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phòng chống sạt lở, bảo vệ đất sản xuất, đảm bảo an toàn cho Nhân dân.
Ngư dân Hà Tĩnh chuẩn bị ngư lưới cụ vươn khơi đánh bắt thủy sản
Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà cho biết, về cơ bản các xã vùng ven biển, cửa sông đã có những công trình kè kiên cố chống sạt lở đất. Riêng tuyến kè biển xã Cẩm Nhượng do đầu tư xây dựng đã lâu, nay bị hư hỏng, sụt lở nhiều vị trí, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
“Địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu cho Nhân dân, tích cực trồng rừng phòng hộ ven biển. Tiếp tục khảo sát, huy động nguồn lực xây dựng các công trình chống sạt lở bờ biển, gắn với nạo vét Cửa Nhượng tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào ra”, ông Lê Ngọc Hà thông tin.
Kè biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên có nhiều đoạn bị hư hỏng, sụt lở nghiêm trọng
Qua tìm hiểu được biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 137km bờ biển. Để bảo vệ hệ sinh thái, giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển, những năm qua tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung khảo sát, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phối hợp với các địa phương thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, địa phương, đơn vị, đến nay tỉnh Hà Tĩnh đã công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm. Hoàn thành lập danh mục, xác định ranh giới 19 khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, tiến tới công bố và cắm mốc giới hành lang theo quy định. Kết quả bước đầu đó đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý tổng hợp vùng bờ, ứng phó hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu.
Tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, lao động sản xuất của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên môi trường biển, chủ động thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và triển khai đồng bộ các phương án ứng phó là giải pháp quan trọng, góp phần giúp cư dân ven biển Hà Tĩnh ổn định cuộc sống cả trước mắt lẫn lâu dài.
Bình luận