Mục tiêu xa hơn là ASIAD và Olympic

15:27 | 25-05-2022

Điền kinh Việt Nam đã chứng tỏ sự phát triển so với các nước trong khu vực và để lại dấu ấn tại SEA Games 31. Tuy nhiên, để hướng tới sân chơi lớn như ASIAD và Olymoic thì điền kinh Việt cần phải đưa ra nhiều chiến lược hợp lý hơn.

Kỷ lục trong lịch sử

 

SEA Games 31 khép lại thành công, đoàn thể thao Việt Nam giành vị trí nhất toàn đoàn với 205 HCV, trong đó bộ môn đóng góp nhiều nhất vào thành tích chung là điền kinh. Là 1 trong 5 bộ môn được đầu tư trọng điểm cùng với bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, bơi, điền kinh luôn là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam trong các kỳ Đại hội.

 

Điền kinh Việt Nam giành 22 HCV tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

 

Tại SEA Games 31, Điền kinh được tổ chức 47 nội dung, Việt Nam tham dự Đại hội với 65 VĐV và là đội có số thành viên đông nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Trước khi SEA Games 31 diễn ra, khó đoán điền kinh có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vì áp lực với nhiều khó khăn khác nhau. Nhưng cuối cùng các VĐV của Việt Nam đã thiết lập nên một kỷ lục mới cho điền kinh nước nhà.

 

Danh sách 22 HCV của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31:

 

Nguyễn Thị Oanh - 1.500m tự do nữ; 5.000m tự do nữ; 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, Lương Đức Phước - 1.500m tự do nam, Nguyễn Hoài Văn - Ném lao, Nguyễn Thị Huyền - 400m tự do nữ, Nguyễn Tiến Trọng - Nhảy xa nam, Phạm Thị Diễm - Nhảy cao nữ, Nguyễn Văn Lai -  5.000m tự do nam; 10.000m nam, Khuất Phương Anh - 800m tự do nữ, Bùi Thị Nguyên - 100m vượt rào nữ, Vũ Thị Ngọc Hà - Nhảy xa nữ, Lê Tiến Long - 3.000m vượt chướng ngại vật nam, Quách Thị Lan - 400m vượt rào nữ, Nguyễn Linh Na - 7 môn phối hợp, Lò Thị Hoàng - Ném lao nữ, Phạm Thị Hồng Lệ - 10.000m nữ, Đội chạy tiếp sức 4x400m nữ, Hoàng Nguyên Thanh - marathon nam, Võ Xuân Vĩnh - Đi bộ 20km nam, Nguyễn Thị Thanh Phúc - Đi bộ 20km nữ

 

Trong số 22 tấm HCV giành được, bất ngờ nhất phải kể đến HCV nội dung marathon (42,195km) của nam VĐV Hoàng Nguyên Thanh với thời gian 2 giờ 25 phút 07 giây 84 trong ngày thi đấu cuối cùng của bộ môn. Trong lịch sử, marathon nam Việt Nam chưa từng giành HCV SEA Games. Người đang nắm giữ thành tích tốt nhất chính là tấm HCB của VĐV Nguyễn Chí Đông tại SEA Games 2003 trên sân nhà của Nguyễn Chí Đông cũng đang là kỷ lục marathon nam Việt Nam (2 giờ 21 phút) tồn tại suốt 19 năm qua.

 

Trong khi đó, ngôi sao điền kinh của Việt Nam - Nguyễn Thị Oanh tiếp tục khẳng định đẳng cấp “độc cô cầu bại” trong khu vực Đông Nam Á. Tại SEA Games 30, Oanh đã lập kỳ tích khi giành 3 HCV cá nhân ở các nội dung cực kỳ gian khó là chạy: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m. Đến kỳ Đại hội trên sân nhà, Oanh tiếp tục tranh tài ở 3 nội dung trên với lịch thi đấu dày, nhưng cô gái người Bắc Giang giành trọn 3 HCV và tạo nên sự khác biệt khi phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật với thời gian 9 phút 52 giây 44 (kỷ lục cũ nội dung này cũng do chính Nguyễn Thị Oanh xác lập tại SEA Games 30 với thời gian 10 phút 00 giây 02 tại Philippines).

 

VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh ginhf 3 HCV tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

 

Ngoài Hoàng Nguyên Thanh và Nguyễn Thị Oanh, những tấm HCV nào của điền kinh Việt Nam cũng quý giá, trong đó cần phải nhắc tới những tấm HCV của Lò Thị Hoàng - Ném lao nữ, Nguyễn Linh Na - 7 môn phối hợp, Phạm Thị Hồng Lệ - Chạy 10.000m nữ, Quách Thị Lan - Chạy 400m vượt rào nữ…

 

22 HCV - đây là thành tích cao nhất và một cột mốc lịch sử mới của điền kinh Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Đây là động lực cho các VĐV tiếp tục cố gắng để chinh phục những đỉnh cao mới ở các kỳ Đại hội tiếp theo. Nhưng vẫn còn đó những  thất bại đáng tiếc ở các nội dung được kỳ vọng như: 400 m nam, 4x400 m nam, 4x400 m hỗn hợp, 100 m nữ.

 

Hướng tới sân chơi lớn hơn

 

Thành tích lấp lánh tại SEA Games 31 của môn thể thao được mệnh danh là "nữ hoàng" một lần nữa khẳng định hướng đi đúng trong việc đầu tư của thể thao Việt Nam. Theo nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ, thể thao Việt Nam đã phát triển lên bước cao hơn, thành tích của điền kinh cũng tốt hơn hơn.

 

“Chúng ta có những VĐV đạt thành tích chuẩn Olympic, thậm chí có cả HCV ASIAD. Có rất nhiều VĐV trẻ đạt thành tích rất ấn tượng trong số 22 HCV. Trước đó chúng ta chưa có thành tích nào vượt trội vì nhiều yếu tố, nhưng năm nay các VĐV thi đấu rất chững chạc. Nhiều người phá kỷ lục cá nhân và thậm chí là kỷ lục quốc gia. Những đóng góp như vậy là tín hiệu rất tích cực cho môn điền kinh nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung” – ông Dương Đức Thuỷ cho biết.

 

Nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT Dương Đức Thuỷ chia vui cùng VĐV Nguyễn Tiến Trọng - HCV nội dung nhảy xa nam. Ảnh: Ngọc Tú.

 

Thống trị ở khu vực Đông Nam Á với thành tích vượt trội, những kỷ lục mới được thiết lập, điền kinh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc tại SEA Games 31. Tuy nhiên cần nhìn nhận vào thực tế, điền kinh Việt Nam vẫn chưa thực sự vượt tầm châu lục cũng như thế giới. Tại Olympic, điền kinh Việt Nam vẫn chưa để lại dấu ấn dù có những VĐV đạt chuẩn để góp mặt tranh tại. Đơn cử tại Olympic Tokyo 2020, Việt Nam có VĐV điền kinh Quách Thị Lan tham dự tranh tài ở nội dung 400m vượt rào nữ nhưng lại là suất đặc cách dành cho quốc gia không có VĐV giành vé trực tiếp, điều đó cho thấy thực lực của  các VĐV chưa thể giành vé một cách chính thức.

 

Việc hướng tới thành tích của ASIAD và Olympic không phải mục tiêu mới. Quay trở lại lần đầu tổ chức SEA Games năm 2003, thể thao Việt Nam có một chương trình mục tiêu quốc gia bắt đầu từ 1993 cho đến năm 2003. Trong 10 năm đó, hàng vạn VĐV từ lứa tuổi trẻ được sơ tuyển, đào tạo để có lực lượng thi đấu. Tuy nhiên, thời điểm này thể thao Việt Nam phần nào bị chững lại khi chỉ giành được những thành tích trong khu vực Đông Nam Á. Dẫu biết rằng, trong vài năm gần đây, lãnh đạo Nhà nước, ngành TDTT và các liên đoàn bộ môn đều muốn xã hội hóa thể thao nhưng hiệu quả vẫn còn là bỏ ngỏ.

 

VĐV điền kinh Hà Nội Khuất Phương Anh giành HCV nội dung 800m nữ tại SEA Games 31. Ảnh: Ngọc Tú.

 

“Điền kinh Việt Nam cũng vượt qua được Thái Lan. Điều đó cho thấy chúng ta đã phát triển rất nhiều. Tuy nhiên, ta không thể đánh giá một tiến trình qua số huy chương đơn thuần mà còn phải tính tới chất lượng. Rõ ràng điền kinh Việt Nam còn nhiều nhiệm vụ khác như các giải điền kinh châu Á và thế giới, kể cả các giải trẻ” – nguyên Trưởng bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT nhấn mạnh.

 

Phát triển thể thao nói chung đó là sự nghiệp chung, không phải chỉ có Tổng cục TDTT hay các ban ngành mà là nhiệm vụ chung của cả HLV, VĐV và người hâm mộ. Trước mắt, điền kinh Việt Nam tiếp tục tập trung cho các mục tiêu xa hơn như SEA Games 31 tại Campuchia vào năm 2022, xa hơn là cố gắng giành huy chương ASIAD và thậm chí là phấn đấu đạt chuẩn Olympic 2024.

https://kinhtedothi.vn/muc-tieu-xa-hon-la-asiad-va-olympic.html