Cuộc gọi bất ngờ của cha
Chị Chal Thi cho biết, đời sống người dân quê chị còn nhiều khó khăn khi thu nhập chủ yếu dựa vào cây dừa và cây lúa. Năm 2008, chị rời Trà Vinh lên Thành phố Hồ Chí Minh học đại học với quyết tâm thoát nghèo. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, chị Chal Thi vào làm cho một công ty nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
“Ngay khi còn học đại học, tôi đã lên sẵn kế hoạch đến khoảng 40 tuổi sẽ về quê để chế biến giấm dừa xuất khẩu. Vì thế, tôi mới chọn theo học ngành chế biến thực phẩm. Để làm về chế biến, thứ nhất bạn phải có kinh nghiệm, thứ hai là kết nối rộng và quan trọng nhất tài chính. Tôi nghĩ phải đến năm 40 tuổi mới có đủ “vốn liếng” trên để về quê.
Tuy nhiên, vào một ngày đầu năm 2018, tôi nhận được cuộc gọi của cha. Giọng ông run run: "Dừa rớt giá quá, 12 trái chỉ bán được 20.000 đồng. Năm nay lỗ to rồi”. Giá dừa xuống thấp trầm trọng, thu nhập của người nông dân bấp bênh. Nhà tôi cũng trồng dừa nên lúc đó buồn lắm! Trong đầu chợt nghĩ: Cơ duyên đến rồi, không cần đợi đến 40 tuổi đâu”, chị Chal Thi chia sẻ.
Chị Thạch Thị Chal Thi
Ngay sau cuộc gọi của cha, chị Chal Thi khăn gói về quê với mong muốn tìm lối đi riêng cho cây dừa. Sau mấy tháng tìm hiểu, chị phát hiện ra những nước như Philippines, Thái Lan có ngành nghề thu mật hoa dừa. Ở Việt Nam thấy chưa ai làm nên chị quyết định nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng. Lúc này, chồng chị Chal Thi đang là giảng viên tại một trường cao đẳng ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết định nghỉ việc về quê hỗ trợ vợ.
Bao lâu nay, người dân địa phương trồng dừa chủ yếu lấy trái hoặc một số phụ phẩm khác để bán với giá thấp. Riêng hoa dừa, nếu ra nhiều phải chặt bỏ bớt hoặc dùng trang trí đám cưới với mức giá rất thấp. Trong khi ở các nước như Thái Lan, Ấn Ðộ, người dân thu mật hoa dừa mang lại giá trị kinh tế rất cao, xuất khẩu ở các thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ…
Chuẩn bị tốt từ đầu
Điều đó, càng tạo động lực để chị Chal Thi cùng chồng quyết tâm khởi nghiệp tuy nhiên, vạn sự khở đầu nan. Với 2 hec-ta dừa nhà trồng, trong 6 tháng đầu, Chal Thi chỉ thu được nửa lít mật hoa dừa. “Thất bại này, vợ chồng tôi áp lực lắm. Gia đình nghi ngờ khả năng thành công. Bà con hàng xóm xì xào, thậm chí có lời ác ý với cách làm kỳ lạ này bởi không cho dừa ra trái”, Chal Thi kể.
Chị Chal Thi hướng dẫn công nhân sử dụng máy móc
Mày mò tìm hiểu, chị Chal Thi nhận ra kỹ thuật lấy mật hoa dừa khác hoàn toàn với lấy trái. Phải trèo lên cây dừa kéo đầu hoa cúi xuống và 3 ngày sau mới có thể thu mật. Tuy nhiên thu được mật ít hay nhiều lệ thuộc vào kỹ thuật lấy. Thu nhiều mật cần phải massage hoa dừa mỗi ngày 2 lần, tùy kích cỡ hoa dừa mà massage mạnh hay nhẹ. Công việc này chỉ có người làm chứ không thay thế bằng máy móc.
Tháng 6/2019, vợ chồng chị ChaL Thi thành lập doanh nghiệp Sokfarm. Đây là doanh nghiệp đầu tiên, tiên phong trong giới thiệu các sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa đến với người tiêu dùng cả nước. Anh chị cũng cho ra đời ra một loạt sản phẩm mật hoa dừa cung ứng cho thị trường trong nước từ Nam ra Bắc. Hiện tại, sản phẩm mật hoa dừa của Công ty Sokfram đã có mặt ở 20 tỉnh thành.
Không chỉ ứng dụng kỹ thuật, thu hoạch mật hoa dừa từ vườn nhà, chị Chal Thi còn kết nối với các hộ trồng dừa tại địa phương để hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc lấy mật hoa dừa và thu mua toàn bộ mật hoa dừa của bà con. Nhờ vậy, nhiều hộ dân trồng dừa đã tăng thu nhập đáng kể.
Theo chị Chal Thi, nhờ việc xác định trước sẽ về quê khởi nghiệp nên chị đã chuẩn bị từ đầu. Khi tốt nghiệp đại học, chị chọn làm nhân viên bán hàng kỹ thuật (sale technical) chuyên đi dự án, tham gia cùng phòng nghiên cứu và phát triển (R&D) của các công ty thực phẩm. Nhờ công việc này, chị được học thêm kỹ năng tìm kiếm, tiếp xúc và chăm sóc khách hàng.
“Tuy đã chuẩn bị trước nhưng khi đến với Sokfarm, tôi cũng có nhiều bỡ ngỡ với các “biến số” như quản lý nhân sự, quản lý nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm, giấy tờ pháp lý,… Tôi phải vừa làm vừa học. Bên cạnh đó, tôi tích cực tham gia vào các cộng đồng khởi nghiệp để được giúp đỡ, liên kết với nhau để cùng phát triển. Đó cũng là một trong những bí quyết để khởi nghiệp thành công”, chị Chal Thi chia sẻ.
Năm 2021, chị Chal Thi là một trong số những nhà nông trẻ được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của.
Bình luận