Góp phần làm nghệ sĩ đẹp hơn trong mắt công chúng

14:40 | 14-12-2021

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL Ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Thông tin này khiến cả giới nghệ sĩ và công chúng đều vui mừng hưởng ứng bởi điều này sẽ nhân lên cái đẹp, dẹp bớt cái xấu mà lâu nay một bộ phận nghệ sĩ đã thực hiện khiến công chúng phiền lòng.

Những "barie mềm" trong ứng xử của nghệ sĩ

 

Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm 3 chương, 11 điều. Trong đó, chương I là mục đích, phạm vi, đối tượng, giải thích từ ngữ; Chương II là quy tắc ứng xử; Chương III là tổ chức thực hiện.

 

Mục đích ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội.

 

Nghệ sĩ phải lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật (Ảnh minh họa)

 

Quy tắc nhằm khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, đồng thời, góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định quy tắc ứng xử chung của người hoạt động nghệ thuật là đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; Gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; Không làm tổn hại uy tín của tập thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác; Đồng thời, giữ gìn phẩm chất đạo đức, uy tín, danh dự của người hoạt động nghệ thuật phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa Việt Nam.

 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp; Đối với đồng nghiệp; Đối với công chúng, khán giả; Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và không gian mạng; Quy tắc ứng xử khi tham gia vào các hoạt động xã hội khác.

 

Trong đó, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật phải có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật; Lấy giá trị chân - thiện - mỹ làm mục tiêu, động lực để lan tỏa tinh thần, sứ mệnh của nghệ thuật; Đặc biệt phải giữ gìn danh hiệu, hình ảnh; đấu tranh chống lại cái xấu, những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn trong đời sống xã hội.

 

Với công chúng, khán giả, người hoạt động nghệ thuật phải tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, khán giả; Ứng xử chân thành, đúng mực, thân thiện; Không lợi dụng niềm tin, tình cảm của công chúng, khán giả để trục lợi cá nhân dưới mọi hình thức.

 

 

Trên báo chí, truyền thông và không gian mạng, người hoạt động nghệ thuật sử dụng tài khoản mạng xã hội để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có lợi ích cho xã hội và đất nước; Bình luận, nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm; Trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm đúng đắn, khách quan.

 

Người hoạt động nghệ thuật không sử dụng từ ngữ gây mâu thuẫn, xung đột, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo; Không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục; Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Gây phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc; Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, vi phạm bản quyền, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

 

Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động xã hội khác như hoạt động từ thiện, người hoạt động nghệ thuật phải lan tỏa hình ảnh đẹp, ứng xử có văn hóa đến cộng đồng; công khai, minh bạch kịp thời các hoạt động, xã hội, không lạm dụng danh hiệu, hình ảnh để tư lợi cá nhân; Tham gia hoạt động quảng cáo phải bảo đảm truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật…

 

Chấm dứt tình trạng nghệ sĩ lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi

 

Sau vài tháng xây dựng, lấy ý kiến, Bộ Quy tắc ứng xử này chính thức được ban hành, trở thành những chiếc "barie mềm về văn hóa" ứng xử dành cho những người hoạt động nghệ thuật. Điều này đáp ứng mong mỏi của biết bao nghệ sĩ hoạt động chân chính cũng như công chúng. Bởi lẽ, nghệ sĩ là "người của công chúng", mọi lời nói, phát ngôn, hình ảnh, hoạt động của họ đều có sức ảnh hưởng đến đông đảo Nhân dân. Họ còn đại diện cho nghệ thuật, cho cái đẹp nên không thể lệch chuẩn, mang đến tác hại cho tâm hồn, tình cảm của công chúng.

 

 

Bộ Quy tắc này được ban hành trong bối cảnh khá nhiều vụ nghệ sĩ có những lùm xùm xung quanh các hoạt động từ thiện, quảng cáo cho nhãn hàng, phát ngôn phản cảm, lối sống cá nhân đáng phê phán... Điều này khiến cho nhiều người mất lòng tin vào giới nghệ sĩ, có cái nhìn không mấy thiện cảm về những người suốt ngày ốm o bệnh tật (do quảng cáo cho nhãn hàng) hay từ thiện không minh bạch... Điều đó cũng khiến những nghệ sĩ làm nghề chân chính bị ảnh hưởng, cảm thấy bị xúc phạm bởi đôi khi bị đánh đồng, hiểu sai, không được tôn trọng.

 

Do vậy, độc giả Minh Huyền (Hà Nội) bày tỏ: "Tôi mong rằng sau khi Bộ Quy tắc này được ban hành, nghệ sĩ sẽ ứng xử chuẩn mực hơn, như thế họ sẽ đẹp hơn trong mắt chúng tôi, là người công chúng luôn ngưỡng mộ, yêu quý, thần tượng".

 

Trước đó, NSND Tạ Minh Tâm đồng tình với việc ban hành Bộ Quy tắc trong thời điểm này. NSƯT Lê Thiện thì cho rằng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần áp dụng chế tài, xử phạt thật nặng khi ban hành bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là hành vi không minh bạch trong hoạt động quyên góp từ thiện và quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.

 

"Nếu không tìm ra giải pháp để chấn chỉnh thì sẽ loạn. Bởi hiện nay kêu gọi ý thức, trách nhiệm đối với một số nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn rất khó. Vì lợi nhuận, thu nhập, họ bất chấp. Điều này ảnh hưởng đến danh dự chung của giới nghệ sĩ nên cần tạo hành lang pháp lý vững để chấn chỉnh" - NSƯT Lê Thiện nói.

 

Tiến sĩ Lê Hồng Phước (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ nghệ sĩ trước nhất là công dân như mọi công dân khác, nên nghệ sĩ phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Thế nhưng nghệ sĩ là một dạng công dân đặc biệt vì nổi tiếng có nhiều người hâm mộ. Với tư cách là người của công chúng, nghệ sĩ cần có những cư xử chuẩn mực, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ là cả cộng đồng sẽ nhìn thấy, chỉ cần cái sai nhỏ sẽ ảnh hưởng cho biết bao người.

 

"Nghệ sĩ là bộ mặt văn hoá, bởi thế nghệ sĩ cần cư xử sao cho tương xứng với vị thế đó. Những nghệ sĩ dựa vào sự nổi tiếng của mình có những phát ngôn vĩ cuồng, hoặc có lối sống phi đạo đức, hoặc lấy danh tiếng để trục lợi phi pháp, cần bị xử lý theo pháp luật", Tiến sĩ Lê Hồng Phước nhấn mạnh.

 

 

Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa mới diễn ra, PGS.TS. Nhạc sĩ, Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thay mặt cho hơn 45 ngàn hội viên đang hoạt động trong 74 tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ tâm ý gửi đến Hội nghị. Trong đó, ông bày tỏ: "Xin trân trọng hứa với Tổ quốc, với Nhân dân và Dân tộc Việt Nam: Toàn thể giới văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình, tận hiến tài năng và tâm sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững đất nước".

 

Vì thế, Bộ Quy tắc ứng xử được ban hành cũng sẽ góp phần giúp sức cho các nghệ sĩ thực hiện được trọn vẹn lời thề này, xứng đáng là những bông hoa trong lòng công chúng, những tài năng nghệ thuật tỏa sáng cho đời.

https://tuoitrethudo.com.vn/gop-phan-lam-nghe-si-dep-hon-trong-mat-cong-chung-185514.html