Nên làm gì dịp Vu Lan để tăng phúc đức bản thân, gia đình, tổ tiên?

08:59 | 10-08-2022

Lễ Vu Lan báo hiếu là một ngày lễ lớn của Phật giáo, được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch hằng năm. Lễ Vu Lan năm 2022, rơi vào Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 Dương lịch.

Đi chùa sám hối, cầu bình an cho tổ tiên, cha mẹ, gia đình

 

Ngày lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khi ngài chứng thần thông và biết rằng mẹ bị đọa vào ngạ quỷ luôn đói khát mà lại không thể ăn được bất cứ thứ gì vì khi miếng ăn đưa đến miệng sẽ bị đốt cháy do khi còn sống bà có tính tham lam, bỏn xẻn.... Chính vì vậy, đây là dịp tốt để mọi người dành thời gian cùng gia đình vào chùa trước Tam bảo xin sám hối mọi tội lỗi của bản thân và tổ tiên, cha mẹ người thân. Đồng thời, cầu an, cầu siêu, đọc kinh, làm công quả, cúng dường Tam bảo và chư Tăng, thả đèn hoa đăng.

 

Các em bé được theo bố mẹ, ông bà đến chùa Thiện Mỹ, TP Hồ Chí Minh tham dự lễ Vu Lan. Ảnh: Thùy Ninh.

 

Vì sao nên sám hối? Chúng ta mỗi một ngày đây, dù vô tình hay cố ý cũng đã gây ra biết bao nhiêu những tội lỗi về thân - khẩu - ý, thì kể chi tới trải qua vô lượng kiếp thì làm sao mà biết được đã từng phạm lỗi gì ra sao. Vậy nên việc sám hối là điều thực sự rất nên làm. Sám hối đúng pháp sẽ hết nghiệp nhân xấu và sẽ làm tiêu và nhẹ nghiệp quả xấu rất nhiều. Nghĩa là khi nhận rõ được các lỗi lầm đã tạo ra nhờ trí tuệ Phật pháp soi rọi mà nguyện từ bỏ việc ác mãi mãi thì từ đây tội lỗi không còn bị chồng chất lên nữa và những tội lỗi xưa nhờ đó mà được nhẹ bớt.

 

Đi chùa sám hối, công đức Tam Bảo, cúng dường chư Tăng, hồi hướng công đức đó để cầu bình an cho tổ tiên, cha mẹ, gia đình là  việc nên làm vào tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Thùy Ninh

 

Sám hối được ví như hình ảnh “nước chảy đá mòn”. Có nghĩa là, sám hối thì tội nó vẫn còn ở đó, như cục đá kia, chứ không mất đi được ngay. Nhưng, khi lòng chúng ta thật tâm sám hối, cúi đầu lạy, hứa xin không tái phạm lỗi lầm, trong mỗi lạy của chúng ta là từ bỏ quá khứ, không khởi niệm tương lai, chỉ sống ở giây phút hiện tại (niệm trước không sanh, niệm sau không khởi). Dần dà, khi đủ định lực và sám hối thường xuyên thì cũng như nước chảy xuống một chỗ. Năm này qua tháng khác, cục đá to cỡ nào cũng sẽ bị bào mòn, cũng giống như là tội lỗi của chúng ta sẽ tiêu trừ và dần biến mất.

 

Sám hối cũng giống việc, bạn ăn một nắm muối thì thấy mặn chát khó ăn, nhưng khi bỏ nắm muối vào 10 lít nước, uống từ từ vài ngày thì bạn sẽ không cảm thấy mặn chát nữa. Hoặc bạn bỏ nắm muối đó vào trong hồ nước lớn thì vị mặn ấy xem như không còn cảm nhận được gì.

 

Nếu như ai mà thành tâm, kiên trì sám hối từ bỏ được gốc rễ tham, sân, si thì mãi mãi sẽ không còn khổ đau, các nghiệp xấu chỉ như một cơn gió thổi qua nhanh mà không trở lại nữa. Cùng với duy trì sám hối, chúng ta nên làm những điều thiện phước như bố thí, cúng dường, giúp đỡ, chia sẻ... để tội chướng sẽ được tiêu giảm.

 

Đi chùa vừa để sám hối vừa để cầu an cho tổ tiên, cha mẹ, gia đình, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình thêm gần gũi, vừa là cách để tâm hồn bạn lắng lại giữa bộn bề cuộc sống và lan tỏa tình yêu thương, nhân ái đến mọi người nhiều hơn.

 

Khi đi chùa, mọi người nên giữ các qui tắc như ăn mặc giản dị, kín đáo với tinh thần kính cẩn để giữ tôn nghiêm nơi linh thiêng.

 

Phóng sinh cứu mạng các loài động vật

 

Phóng sinh là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh vào dịp Tết, Rằm tháng Giêng hay Rằm tháng bảy,... đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Tuy nhiên ý nghĩa cũng như phóng sinh sao cho lợi ích thì không phải ai cũng biết.

 

Đức Phật dạy, khi chúng ta tu lòng từ, không sát sinh, trái lại còn phóng sinh thì được rất nhiều lợi ích. Ảnh: Thùy Ninh

 

Trong kinh Phật dạy, khi chúng ta tu lòng từ, không sát sinh, trái lại còn phóng sinh thì được rất nhiều lợi ích. Đó là chúng ta sẽ được phúc báu như: ít bệnh tật, có sức khỏe, có tuổi thọ được lâu dài, thường an ổn,... Nếu ai cũng có tình yêu thương, không những với loài người mà với cả muôn loài, thế giới này sẽ rất hòa bình và an lạc.

 

Theo quan điểm của đạo Phật, phóng sinh là khi mình nhìn thấy các loài chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại thì phát sinh lòng thương xót, tìm cách cứu chuộc, giải thoát, phóng thích, cứu mạng sống của chúng.

 

Khi phóng sinh rất đơn giản, không cần mua hương cắm vào con vật. Ảnh: Thùy Ninh

 

Mọi người không nên đặt mua trước các con vật để phóng sinh. Vì làm như vậy sẽ làm mất ý nghĩa của phóng sinh. Vì phóng sinh là chúng ta thấy con vật đang mắc nạn, đang sắp bị giết hại nên chúng ta mua, rồi phóng sinh chúng.

 

Thực chất, khi phóng sinh rất đơn giản, không cần mua hương cắm vào con vật. Khi phóng sinh, chúng ta không nhất thiết phải đến chùa để quý Thầy chú nguyện, mọi người đều có thể tự làm được việc này. Sau khi mua con vật ở chợ về, mọi người có thể đọc nhanh: "Các chúng sinh xin cùng phát lời sám hối. Các chúng sinh đây xin cùng phát tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng” rồi niệm danh hiệu Phật “Nam mô A Di Đà Phật”, “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni” khoảng 10 lần để gieo duyên Phật pháp cho các con vật đó rồi thả con vật đi.

 

Chúng ta hiểu rằng cứu các sinh mạng về môi trường sống tự nhiên thì tâm từ bi cũng như phước báu của chúng ta được tăng lên và đặc biệt trong tháng 7 Âm lịch, phúc đức của tổ tiên, dòng họ, người thân, gia đình, cha mẹ, con cái... cũng tăng trưởng rất nhiều. Ảnh: Thùy Ninh

 

Đức Phật có dạy, đã là người đệ tử Phật, không kể xuất gia hay tại gia thì đều phải tu tập lòng từ. Chúng ta hiểu rằng cứu các sinh mạng về môi trường sống tự nhiên thì tâm từ bi cũng như phước báu của chúng ta được tăng lên và đặc biệt trong tháng 7 Âm lịch, phúc đức của tổ tiên, dòng họ, người thân, gia đình, cha mẹ, con cái... cũng tăng trưởng rất nhiều.

 

Trường hợp có những người ác tâm, sẵn sàng đi theo các đoàn phóng sinh để đánh bắt lại những con vật ấy. Đó là việc làm ác, những người đó là làm việc ác và phải chịu quả báo.

 

Tham gia nghi lễ bông hồng cài áo

 

Trong ngày lễ Vu Lan, tại các chùa, đạo tràng thường thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo. Đây là một nghi lễ đẹp và ý nghĩa, thể hiện lòng hiếu đạo.

 

Bông hồng đỏ cho những ai may mắn còn cha mẹ trên đời và bông hồng trắng dành cho những người mà cha mẹ đã rời xa cõi trần thế.

 

Trong ngày lễ Vu Lan, chùa Thiện Mỹ, TP Hồ Chí Minh thường thực hiện nghi lễ bông hồng cài áo cho các Phật tử. Ảnh: Thùy Ninh

 

Nghi lễ đầy nhân văn này nhắc nhở ta rằng hãy quý trọng thời gian tươi đẹp như bông hồng đỏ thơm ngát lúc ba mẹ còn bên cạnh để không phải hối tiếc khi Người rời xa ta, như bông hồng trắng buồn bã nơi ngực áo.

 

Làm nhiều việc thiện

 

Giúp đỡ người khác trong lòng bạn sẽ luôn cảm thấy vui tươi bất kể việc có ai đó công nhận điều đó hay không. Tâm trạng tốt lên sẽ xua tan được ưu phiền, giữ được tâm sáng, mang lại bình an.

 

Làm từ thiện,  giúp đỡ những người bất hạnh hơn bạn và điều này sẽ khiến bạn có cơ hội nhìn nhận lại những gì mình đang có, biết quý trọng sức khỏe, hạnh phúc của mình hơn. Quan trọng nhất, bạn sẽ nhìn nhận được những ý nghĩa sẻ chia của cuộc sống.

 

Bạn có thể dẫn con theo trong những chuyến từ thiện hoặc để con tự lựa chọn nơi hay người mà chúng muốn giúp đỡ. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Hằng ngày, trên thế giới có rất nhiều người sống trong nghèo đói, hàng triệu trẻ em đang đối mặt với thiếu thốn, bệnh tật. Có thể bạn nghĩ rằng việc giúp đỡ tất cả những hoàn cảnh khó khăn dường như quá sức đối với mỗi chúng ta, tuy nhiên, mọi sự hỗ trợ dù là nhỏ nhất vẫn mang lại những hiệu quả nhất định. Ngay cả khi những đóng góp chỉ đủ để giúp một đứa trẻ no bụng hay thời gian để tham gia vào các hoạt động từ thiện chỉ là 1 ngày trong năm, bạn cũng đã và đang làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

 

Theo PSB – mạng truyền thông không lợi nhuận của Hoa Kỳ: những việc làm tốt thường mang lại lợi ích đối với người cho nhiều hơn là người nhận. Do đó, dù dưới hình thức nào (tặng tiền, quyên góp đồ hay tham gia tình nguyện), từ thiện cũng sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn. Cảm giác đó sẽ truyền từ người nhận sang người cho và lan tỏa khắp cộng đồng.

 

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Paul J. Mill – Giáo sư y khoa của trường đại học California: hoạt động tình nguyện giúp cải thiện sức khỏe của bạn. Cụ thể, nó sẽ giúp ngăn ngừa chứng trầm cảm, tăng cường thể lực và đồng thời, giảm 22% nguy cơ tử vong.

 

Việc quyên góp tiền cho những tổ chức từ thiện là một cách tuyệt vời để dạy con cái chúng ta về lòng tốt và tình yêu thương con người. Bạn có thể dẫn con theo trong những chuyến từ thiện hoặc để con tự lựa chọn nơi hay người mà chúng muốn giúp đỡ. Khi trực tiếp nhìn thấy những khó khăn của cuộc sống và cách chúng ta giúp đỡ những người kém may mắn, trẻ sẽ biết quý trọng những gì mình đang có và biết yêu thương mọi người hơn.

 

Mua quà tặng cha mẹ, ông bà

 

Sẽ tuyệt vời hơn khi bạn gửi đến những bậc sinh thành của mình một món quà ý nghĩa, kèm theo đó là những câu chúc ấm áp dành cho họ. Bạn hãy lưu ý đến sở thích và thói quen của ông bà, cha mẹ để lựa chọn được những món quà ý nghĩa nhất nhé.

 

Món quà thực sự có ý nghĩa là món quà xuất phát từ tình yêu thương của con cái chứ không thể hiện ở giá trị vật chất của món quà. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

 

Món quà thực sự có ý nghĩa là món quà xuất phát từ tình yêu thương của con cái chứ không thể hiện ở giá trị vật chất của món quà. Chẳng có món quà đắt tiền nào có ý nghĩa bằng việc nhìn con cái mạnh khỏe, anh chị em trong gia đình hòa thuận, con cháu sum vầy đầm ấm bên nhau.

 

Gọi điện hỏi thăm cha mẹ, ông bà nếu ở xa

 

Nếu bạn đang bận rộn với công việc và cuộc sống riêng mà không thể trở về bên cạnh cha mẹ vào ngày lễ Vu Lan, hãy dành ra một ít thời gian để gọi điện hỏi thăm cha mẹ, ông bà nhé. Không có món quà nào ý nghĩa bằng tấm lòng chân thành, hiếu thảo của con cái. Được con cháu quan tâm, hỏi thăm vào ngày này chính là điều ý nghĩa nhất đối với cha mẹ, ông bà.

 

Ngày lễ Vu Lan là ngày để bạn tri ân, kính nhớ tổ tiên, hướng về nguồn cội. Bạn nên thăm viếng, chăm sóc phần mộ ông bà tổ tiên và những người đã khuất để bày tỏ lòng tưởng nhớ, thành kính.

 

Đem những việc tốt trong năm đã làm được để làm món quà âm đức dâng lên tổ tiên, dòng họ, ông bà, cầu nguyện cho gia đình được bình an cũng như điểm lại những việc chưa tốt để khắc phục sửa chữa.

 

Mâm cơm cúng dâng lên ông bà tổ tiên

 

Mâm cơm cúng ông bà tổ tiên là nghi lễ cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày lễ Vu Lan. Tùy theo truyền thống mà mỗi gia đình có thể chọn dâng món chay hoặc thanh bông, hoa quả, trà, nước như sắp lễ cúng vào rằm và mùng 1 hàng tháng nhằm thể hiện lòng tưởng nhớ, thành kính và cầu mong tổ tiên được an nghỉ nơi chín suối.

https://kinhtedothi.vn/nen-lam-gi-dip-vu-lan-de-tang-phuc-duc-ban-than-gia-dinh-to-tien.html