Biến rác thải nhựa thành những đồ dùng có ích

15:37 | 03-06-2022

Sử dụng quá nhiều vật dụng làm từ nhựa sau đó đào thải ra môi trường sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới thiên nhiên, hệ sinh thái và cả sức khỏe con người.

Mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 5.000 tỉ túi nilon được sử dụng (Ảnh: SHUTTERSTOCK)

 

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 5.000 tỉ túi nilon được sử dụng; Chưa kể đến các loại sản phẩm làm từ nhựa khác như: Đồ dùng, bàn ghế, tã, băng vệ sinh, đồ chơi…

 

Lượng rác thải đổ ra môi trường rất lớn. Thế giới đã sản xuất ra 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó có tới 6,3 tỉ tấn là rác thải nhựa. Trung bình mỗi năm thế giới thải ra môi trường 300 triệu tấn rác thải nhựa; Trong đó có có 8 triệu tấn bị thải ra biển. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được sử dụng tăng 20 lần, dự báo có thể gấp đôi trong 20 năm tới.

 

Các chất thải từ nhựa phải mất đến 450 năm để các chai nhựa này được phân huỷ hoàn toàn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Do đó, hiện nay nhiều dự án biến rác thải nhựa thành những công trình hay đồ vật có ích đang được triển khai trên thế giới.

 

Cô Maria Nissan là nghệ sĩ kiêm nhà hoạt động vì môi trường, sống ở thủ đô Amman, Jordani đang thực hiện dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng về thảm họa môi trường thông qua nghệ thuật.

 

Cô Nissan thu gom và tái sử dụng các loại rác nhựa để tạo ra tác phẩm nghệ thuật như tranh về khuôn mặt phụ nữ, hoa và các họa tiết phương Đông.

 

Cô Maria Nissan bên tác phẩm nghệ thuật làm từ rác thải nhựa (Ảnh: AFP)

 

Cô đã biến tầng thượng nơi mình ở thành chỗ trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Tất cả đều được làm từ những đồ vật dùng 1 lần, từ dao cạo râu và bàn chải đánh răng đến bật lửa, bút và thìa nhựa.

 

Theo cô Nissan, nghệ thuật làm rác thải nhựa là một cách truyền tải thông điệp dễ dàng và mạnh mẽ tới nhiều người, để họ hiểu được rằng rác thải nhựa tác hại thế nào tới môi trường.

 

Tại Logan, bang Queensland, Australia, giới chức thành phố này đã xây dựng một nhà khí hóa sinh học đầu tiên nhằm biến chất thải thành năng lượng tái tạo.

 

Theo ban quản lý nhà máy, các chất thải thu thập được sẽ được tách nước, sau đó sẽ được đem đi đốt. Nguồn năng lượng từ việc đốt phân sẽ được tận dụng để chạy máy phát điện cung cấp năng lượng cho thành phố. Lượng chất thải còn lại sau quá trình đốt sẽ được sử dụng làm phân bón cho cây.

 

Hội đồng thành phố Logan cho biết, hệ thống nhà máy khí hóa sinh học này sẽ giúp thành phố giảm khoảng 6.000 tấn khí thải carbon mỗi năm.

 

Công ty khởi nghiệp ByFusion tại Mỹ sản xuất các khối ByBlock từ rác thải nhựa có thể dùng để xây dựng tường rào, sân công cộng, bến xe buýt, đến các tòa nhà.

 

ByFusion sử dụng lực nén kết hợp với hơi nước để tạo hình tất cả các loại nhựa, bao gồm cả những loại khó tái chế nhất, thành các khối xây dựng. Đến nay, ByFusion đã tái chế 103 tấn nhựa và đặt mục tiêu 100 triệu tấn vào năm 2030.

 

Các khối xây dựng ByBlock được tạo ra bằng cách ép rác thải nhựa (Ảnh: ByFusion)

 

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bang Washington Mỹ, đã phát triển một quy trình xúc tác để chuyển đổi chất polyethylene thành nhiên liệu máy bay và dầu nhờn có giá trị cao.

 

Polyethylene là loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, thường được làm túi mua sắm, màng bọc thực phẩm và chai dầu gội đầu. Chất nhựa này chiếm khoảng 1/3 tổng lượng chất dẻo được sản xuất trên thế giới hàng năm và trị giá khoảng 200 tỉ USD. Bởi vậy, rác thải nhựa có thể trở thành nguyên liệu thô giá trị thay vì nằm chất đống trong các bãi chôn lấp và ngoài môi trường tự nhiên.

 

Quá trình biến đổi này vừa được công bố chi tiết trên tạp chí Chem Catallysis. Trong đó, các nhà khoa học đã sử dụng kết hợp chất ruthenium trên chất xúc tác carbon và một loại dung môi thường gặp.

 

Nhà phát minh nữ người Kenya, Nzambi Matee đã tái chế thành công hàng tấn rác thải nhựa tại quê hương cô thành những viên gạch thân thiện với môi trường.

 

Quy trình sản xuất được thực hiện theo các bước gồm: rác thải nhựa được phân mảnh nhỏ, trộn với cát và qua khâu xử lý ở nhiệt độ cực cao để tạo ra một loại bùn. Loại bùn này được đúc thành các khối có kích thước khác nhau. Bước cuối cùng sẽ cho ra thành phẩm là gạch lát cứng, có độ bền cao gấp 2 - 7 lần so với bê tông song chỉ nhẹ bằng một nửa và có giá thành rẻ hơn 15% so với vật liệu xây dựng cùng loại.

 

Bình quân mỗi ngày, công ty của Nzambi, xuất xưởng khoảng 1.500 viên gạch làm từ nhựa công nghiệp và nhựa gia dụng phế phẩm. Chỉ riêng trong năm ngoái, công ty đã tái chế được 50 tấn nhựa.

https://tuoitrethudo.com.vn/bien-rac-thai-nhua-thanh-nhung-do-dung-co-ich-197989.html